Thông tin trên được GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết tại Hội nghị sơ kết triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu, Dự án Norred, công tác chỉ đạo tuyến giai đoạn 2013 - 2018 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2019 - 2020 diễn ra tại Bắc Ninh cuối tuần qua.
Nếu như trong những năm 2000, cả nước chỉ có ba bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của nhân dân, thì tới năm 2019 trên toàn quốc đã có tám bệnh viện chuyên ngành với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.
Tại Việt Nam, mỗi năm có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chính vì vậy, ung bướu là một trong năm chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên trong Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giai đoạn 2013 - 2020.
GS, TS Trần Văn Thuấn cho biết, qua hơn năm năm thực hiện, các bệnh viện vệ tinh đã được nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh thông qua việc tăng cường đào tạo, cải tạo cơ sở kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị y tế, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin.
Đề án bệnh viện vệ tinh triển khai đã góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Từ năm thực hiện đề án đến nay, Bệnh viện K đã có 17 bệnh viện vệ tinh, 11 bệnh viện tham gia dự án Norred, chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện. Bệnh viện K đã đào tạo cho 2.972 lượt học viên, chuyển giao 291 lượt kỹ thuật cho các bệnh viện; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Kết quả nổi bật là một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao đã giúp cho các bệnh viện hoàn toàn có thể tự chủ làm được, có tỷ lệ giảm chuyển tuyến đến 100%. “Minh chứng nổi bật cho sự thành công của Đề án như Bệnh viện K đã hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ từ chuyển tuyến hơn 70% nay đã chuyển tuyến dưới 1%. Bệnh viện K đã hội chẩn từ xa cho các bệnh viện về chẩn đoán ung thư, đặc biệt là mô bệnh học, hỗ trợ đào tạo liên tục, cầm tay chỉ việc cho bác sĩ tuyến dưới”, GS Thuấn cho hay.