Giảm thiểu rủi ro khi triển khai thí điểm
Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc cho người bệnh mang thuốc methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn bảo đảm thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị methadone.
Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho người bệnh mang thuốc methadone về cũng có thể sẽ có những rủi ro và cần phải có ngay biện pháp để giảm thiểu.
Theo ông Long, rủi ro nguy hiểm nhất là việc trẻ em hoặc những người khác dùng nhầm thuốc. Kinh nghiệm của một số các quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu người khác sử dụng nhầm thuốc, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, để giảm thiểu rủi ro này các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn cụ thể bao gồm: người bệnh có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quản thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa. Ngoài ra, việc tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng việc cho người bệnh mang thuốc methadone về uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi methadone.
"Việc sàng lọc người bệnh được mang thuốc về rất kỹ lưỡng, đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh được tư vấn về điều kiện bảo quản thuốc, các biện pháp hủy vĩnh viễn việc mang thuốc methadone về sẽ được tư vấn trước, trong quá trình điều trị nếu người bệnh vi phạm nguyên tắc này, đồng thời các biện pháp giám sát kiểm tra, thu hồi vỏ lọ thuốc đã qua sử dụng", ông Long cho hay.
Để hạn chế việc cố tình dùng quá liều hoặc không đúng liều cho bản thân người bệnh, các cơ sở y tế thí điểm tăng cường các biện pháp tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, tư vấn kỹ các rủi ro do không tuân thủ điều trị, giảm số liều mang về, hủy việc mang thuốc về cho những người bệnh không tuân thủ tốt và tổ chức các biện pháp giám sát chặt chẽ thông qua giám sát trực tiếp.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cảnh báo việc sử dụng methadone kết hợp với các thuốc khác, đặc biệt là nhóm thuốc an dịu như Benzodiazepines hoặc rượu và ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh.
Do đó, các cán bộ y tế phải tăng cường tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi việc sử dụng kết hợp thuốc, rượu, các loại ma túy khác thì việc sàng lọc người bệnh có tiền sử tuân thủ tốt, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên.
Đặc biệt, cán bộ y tế cũng cần tư vấn kỹ việc không sử dụng thuốc methadone để tiêm bởi sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc methadone dạng sirô và quá liều.
Người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng: Đã đạt liều điều trị duy trì từ hai tháng trở lên; Không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong hai tháng gần đây; Không bỏ liều điều trị methadone nào trong hai tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị; Không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây.
Nếu có một trong các điểm sau, người bệnh sẽ không được cấp phát thuốc về: Trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào; Người bệnh hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định; Bản thân người bệnh không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…).
Học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác
PGS, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Singapore, Malaysia, Indonesia...) và trên thế giới (Mỹ, Australia, New Zealand...) đã và đang triển khai cấp phát thuốc methadone cho người bệnh mang về áp dụng theo khung hướng dẫn chung của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia, mỗi nước lại có những quy định cụ thể riêng biệt. Việc kê thuốc cho bệnh nhân mang về uống được người bệnh rất hài lòng do đáp ứng được mong đợi của người bệnh.
Nhìn chung, người bệnh muốn được nhận thuốc methadone mang về đều phải được sàng lọc trước. Hầu hết các nước đều có tiêu chí này như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Canada, Afghanistan.... Điều kiện để người bệnh mang thuốc về có thể khác nhau nhưng cơ bản vẫn phải trên tinh thần tự nguyện (phải có đơn tự nguyện xin mang thuốc về); người bệnh tuân thủ điều trị tốt (uống thuốc đều, xét nghiệm nước tiểu với Heroin/Morphine âm tính). Một số nước đặt tiêu chuẩn: người bệnh phải tham gia điều trị ít nhất đủ ba tháng mới được xem xét cho mang thuốc về.
Về số liều thuốc được cấp cho người bệnh mang về cũng khác nhau tùy thuộc từng quốc gia nhưng trung bình là được mang về uống trong một tuần (Trung Quốc, Canada, Afghanishtan...). Một số nước sau khi người bệnh tuân thủ tốt, thậm chí có thể mang về tới 30 ngày (Hoa Kỳ...).
Việc quản lý và theo dõi người bệnh sử dụng thuốc cũng được áp dụng khác nhau tùy thuộc từng quốc gia. Đối với Thái Lan, sẽ có sự tham gia kiểm tra đột xuất của trưởng thôn hoặc y tế cơ sở. Với Trung Quốc, mỗi lọ thuốc methadone người bệnh mang về đều được kết nối với hệ thống phần mềm thông minh, khi người bệnh mở nắp sử dụng thì thông tin được báo lên phần mềm. Việc giám sát sử dụng thuốc methadone chủ yếu là để bảo đảm sự an toàn cho người bệnh và người nhà của người bệnh để tránh việc sử dụng thuốc sai mục đích.
Tại Việt Nam, trong đợt thí điểm triển khai này, số liều tối đa cho người bệnh mang về mỗi lần không quá sáu liều/lần (không tính một liều uống tại cơ sở y tế khi đến lĩnh thuốc).
Để theo dõi, đánh giá sự tuân thủ của người bệnh khi sử dụng thuốc, các cơ sở điều trị methadone tại từng tỉnh tổ chức theo dõi và hằng tháng đánh giá tuân thủ sử dụng thuốc methadone của người bệnh với rất nhiều biện pháp. Kết quả theo dõi, đánh giá làm cơ sở cho việc tăng số liều, giảm số liều hoặc chấm dứt việc cho người bệnh mang thuốc về.
"Đề án thí điểm cấp thuốc methadone cho người bệnh mang về sử dụng nếu thành công sẽ mở ra cơ hội triển khai trên toàn quốc", ông Long cho hay.