Giám sát việc triển khai các cơ chế đặc thù thực hiện các dự án quan trọng quốc gia

NDO - Đối với nội dung giám sát về các dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tập trung giám sát về việc triển khai các cơ chế đặc thù thực hiện các dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2023/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1).

Giám sát việc triển khai các cơ chế đặc thù thực hiện các dự án quan trọng quốc gia ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về phạm vi giám sát, đối với nội dung thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, giám sát tại các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trên cả nước.

Đối với nội dung thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, giám sát Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có triển khai thực hiện dự án; các địa phương: An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 8 bộ, ngành và 10 địa phương, cả giám sát trực tiếp tại địa phương trên thực địa và qua báo cáo giám sát. Đối với các địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai sẽ do Trưởng Đoàn giám sát chủ trì làm việc.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung giám sát cần tiếp tục được rà soát, bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết quả giám sát của các cơ quan Quốc hội trong thời gian thực hiện các nghị quyết nêu trên.

Giám sát việc triển khai các cơ chế đặc thù thực hiện các dự án quan trọng quốc gia ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Về các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, tập trung chủ yếu ở ngành giao thông vận tải, do đó trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải là hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, đối với nội dung giám sát về các dự án quan trọng quốc gia, cần tập trung giám sát về việc triển khai các cơ chế đặc thù thực hiện các dự án.

Tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch giám sát, đồng thời huy động Hội đồng nhân dân các địa phương phối hợp thực hiện giám sát tại địa phương đó để bảo đảm tiến độ, chất lượng giám sát.