Giám sát “trọng tâm, trọng điểm” kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

NDO -

Chiều 14/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả ban đầu của Đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh Duy Linh)
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả ban đầu của Đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh Duy Linh)

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các nội dung khiếu nại, tố cáo trải rộng trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nên nội dung từng vụ việc lại liên quan tới nhiều đạo luật khác. Công tác giám sát lĩnh vực này cần bảo đảm tính toàn diện, nhưng vẫn phải mang tính trọng tâm, trọng điểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, mục tiêu của công tác giám sát là không sa đà vào vụ việc cụ thể, mà đưa ra kiến nghị đẩy nhanh việc giải quyết những vụ, việc khiếu nại, tố cáo, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài...

Bên cạnh đó, việc thực hiện giám sát cần làm đến nơi đến chốn, đưa ra những kiến nghị xử lý được những tồn tại, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.

Những vấn đề đặt ra cần được khắc phục trong thời gian tới, như việc chuyển đơn thư lòng vòng; xử lý đơn trùng; xây dựng phần mềm dữ liệu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sử dụng lực lượng trợ giúp pháp lý trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình trạng khiếu kiện đông người...

BND_9912-1647266896087.jpg
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát quan trọng, liên quan quyền và nghĩa vụ của công dân, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cùng nhiều bộ luật khác, với phạm vi rộng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần bảo đảm triển khai giám sát có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, kiến nghị xử lý những tồn tại, chấn chỉnh việc thực hiện và đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo kết quả giám sát bước đầu; ghi nhận nỗ lực của Đoàn giám sát, các thành viên và Tổ giúp việc.

Các đại biểu đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẩn trương triển khai nhiều công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ, kết luận giám sát đạt kết quả cao nhất. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát đề cương để phân tích, làm rõ những ưu, khuyết điểm chính, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong cả hai lĩnh vực hành pháp và tư pháp.

BND_9903-1647266895603.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh) 

Trình bày Báo cáo về nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Đoàn giám sát Dương Thanh Bình cho biết, tính đến ngày 11/3, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố và một báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Báo cáo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương nhìn chung đều bám sát đề cương, yêu cầu của Đoàn giám sát, song chất lượng báo cáo còn nhiều hạn chế, nhiều báo cáo đánh giá chung chung, không cụ thể, không rõ địa chỉ.  

Để bảo đảm khách quan và thực tiễn, Đoàn giám sát dự kiến, trong thời gian tới sẽ thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang là các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đất đai, quản lý và vận hành nhà chung cư thương mại, thực hiện chính sách đối với người có công, việc thực hiện chuyển đổi chợ dân sinh thành các trung tâm thương mại (kể cả việc xây dựng lại chợ)…

Đoàn giám sát cũng sẽ tổ chức 8 cuộc làm việc với 8 bộ, ngành gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Thanh tra Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Theo báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát, so giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.