Hưng Yên:

Giám sát thực hiện chính sách về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục tại Hưng Yên

NDO - Ngày 15/3, Đoàn công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên.

Năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên có 34 đơn vị trực thuộc, sau khi sắp xếp tổ chức lại còn 26 đơn vị; biên chế sự nghiệp giao năm 2015 là 2.013 người, đến năm 2023 còn 1.800 biên chế (giảm 213 biên chế); trong đó có 1.683 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 117 người hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp.

Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn chi trả lương cho số biên chế này, do nguồn thu không bảo đảm, thực hiện tự chủ về tài chính ở mức chưa cao...

Tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ xem xét không cắt giảm số lượng người làm việc trong lĩnh vực giáo dục; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí cụ thể, phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền; đồng thời ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Về việc sáp nhập trường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám huyện Tiên Lữ Trần An Khải kiến nghị: Việc sáp nhập giữa Trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là công tác về nhân sự, nên không sáp nhập giữa Trường Trung học cơ sở và trường Trung học phổ thông.

Theo quy định của Luật Giáo dục, bậc trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, còn bậc trung học phổ thông do Sở quản lý...

Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã góp ý một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên rà soát, hoàn thiện, bổ sung một số nội dung được đại biểu nêu; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của các cấp trong nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.