Giám sát phát hiện sớm người bệnh do vi-rút Marburg

Tổ chức Y tế thế giới đã họp khẩn sau khi có ít nhất chín người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do vi-rút Marburg. Ðây là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, với tỷ lệ tử vong lên tới 88% số ca bệnh. Ðể chủ động phòng, chống căn bệnh này, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc và ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát trên địa bàn mình phụ trách.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm dịch y tế đối với khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh MINH HÀ)
Kiểm dịch y tế đối với khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh MINH HÀ)

Bệnh Marburg, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Marburg gây ra; ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus). Bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong lên tới 88% số ca bệnh.

Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người; lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do vi-rút Marburg. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Người bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Hiện bệnh chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này.

Chia sẻ thông tin về bệnh Marburg hiện nay, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BSCKII Nguyễn Trung Cấp cho biết: Ðây là căn bệnh đã được ghi nhận trên động vật từ lâu, không phải bệnh mới. Ðặc điểm của vi-rút Marburg là khi lây bệnh thì tỷ lệ tử vong cao, vì vậy, với người mắc bệnh đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng bệnh do vi-rút Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, do đó căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Ngoài ra, khi nhiễm vi-rút Marburg, bệnh nhân thường nặng nằm bệt một chỗ cho nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng hoặc quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định, việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do vi-rút Marburg cần áp dụng một loạt các biện pháp can thiệp, đó là quản lý ca bệnh, giám sát bao gồm truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm chôn cất an toàn và đàng hoàng cũng như vận động xã hội.

Xác định những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm Marburg và theo dõi sức khỏe của họ trong 21 ngày, cách ly và chăm sóc những bệnh nhân đã được xác nhận và duy trì vệ sinh tốt và sạch sẽ môi trường. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh do vi-rút Marburg hoặc nghi ngờ nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bổ sung bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như với các bề mặt và đồ vật bị nhiễm bẩn…

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên hạn chế đi lại hoặc buôn bán tới Guinea Xích đạo dựa trên thông tin về đợt bùng phát hiện tại.

Ðể chủ động phòng, chống dịch Marburg không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Các địa phương phối hợp các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị y tế thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Ðồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, nhất là về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, không để bị động trong mọi tình huống; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch. Các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc thông tin, báo cáo giữa các tuyến, cơ sở y tế, đặc biệt khi ghi nhận ca bệnh nghi ngờ.

Các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng, chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn. Thực hiện tốt việc tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định căn bệnh này; rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.