Năm 2005, Ðoàn Hà Nội bất ngờ tham dự Liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc tổ chức tại Ðồng Nai bằng điệu xẩm tàu điện. Khán phòng hôm đó lặng đi vì không ai ngờ, xẩm lại... sang trọng và nền nã đến thế. Khi trình diễn tại Liên hoan, Mai Tuyết Hoa tròn 30 tuổi. Nhiều người cứ thắc mắc tại sao xẩm lại có người hát trẻ và đẹp thế. Tác phẩm chị trình bày hôm đó là bài "Trăng sáng vườn chè", một thi phẩm của Nguyễn Bính được các nghệ nhân hát xẩm "chế" thành một bài xẩm tàu điện. Từ đó, Tuyết Hoa thường được mọi người gọi là "cô xẩm trẻ".
Sinh ra ngay tại khu "chợ trời" Hòa Bình, từ bé, Tuyết Hoa đã chứng kiến cảnh những người mù dắt díu nhau tay gậy, tay ống bơ hát xin tiền. Bởi thế, trong suy nghĩ của Tuyết Hoa, hát xẩm là ủ ê, não ruột. Khi vào học Trường Trung học Nghệ thuật Hà Nội (Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hiện nay), theo lời khuyên của bố, Mai Tuyết Hoa chọn học đàn nhị. Học xong cao đẳng, Tuyết Hoa thi tiếp vào Nhạc viện Hà Nội, Khoa Nhạc cụ truyền thống. Nhưng ngay cả khi đã gắn bó với âm nhạc truyền thống cả chục năm, Tuyết Hoa vẫn cứ tưởng, xẩm là... "tay gậy, tay ống bơ". Phải đến khi về Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, Tuyết Hoa mới nhận ra mình đã nhầm. Tại đây, Mai Tuyết Hoa tiếp xúc với những tài liệu nghiên cứu về xẩm, cả những tư liệu viết, băng ghi âm những bài hát của các nghệ nhân xẩm thời trước. Tuy là một loại hình âm nhạc dân dã, nhưng xẩm có giá trị về nghệ thuật rất riêng. Người xưa kiếm tiền bằng hát xẩm, có hẳn những phường hát chuyên nghiệp. Xẩm có tám làn điệu chính và có tới hơn 400 bài hát. Rất nhiều trong số đó được "phổ nhạc" từ những bài thơ hay. Mai Tuyết Hoa không ngờ xẩm lại là một kho tàng nhiều điều thú vị đến thế. Lúc ấy nói đến xẩm mọi người gần như lãng quên rồi. Tuyết Hoa đã tự hỏi: Phải làm gì đó để mọi người hiểu xẩm, nghe xẩm.
Một nhạc cụ không thể thiếu trong hát xẩm là nhị. Như một sự sắp đặt, Tuyết Hoa sử dụng đàn nhị khá nhuần nhuyễn. Rất nhiều người đã cảm thấy "khó hiểu" khi một cô gái trẻ, xinh đẹp bỗng nhiên bỏ thời gian đi... học hát xẩm. Nhưng vượt qua định kiến, Tuyết Hoa miệt mài tìm những bài xẩm cổ, tìm những nghệ nhân xẩm để học hát, với sự giúp đỡ nhiệt tình của những người đi trước như nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch...
Nhạc sĩ Thao Giang, người dành 20 năm nghiên cứu về hát xẩm cho biết, xẩm có nhiều điệu khác nhau, trong đó xẩm tàu điện là đặc sản của Thủ đô. Sở dĩ, Hà Nội "độc chiếm" xẩm tàu điện là vì xẩm phát triển mạnh hồi thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Những nghệ nhân xẩm thường chọn chỗ đông người để "mua vui cho đời". Những bến tàu điện, trên xe điện là địa điểm lý tưởng cho những người hát xẩm. Nhưng thẩm mỹ của người Hà Nội khác với người thôn quê, thị hiếu của người đi tàu điện cũng khác với thị hiếu người dân chợ. Ðể "hút khách", những người hát đã sáng tạo loại hình xẩm mới, dành riêng cho người Hà Nội, cho những cuộc hát trên tàu điện - xẩm tàu điện. Giống như tính cách của người Hà Nội, xẩm tàu điện khá tao nhã. Những nghệ nhân đã "chế" các bài thơ được ưa chuộng thời bấy giờ thành các bài hát xẩm. Ðặc biệt trong số đó là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải và Nguyễn Bính. Tiêu biểu là các bài như "Trăng sáng vườn chè", "Lỡ bước sang ngang"...
Ngay khi tiếp xúc với xẩm tàu điện, Tuyết Hoa đã có cảm nhận rất riêng. Xẩm tàu điện bình dân mà vẫn sang trọng, thanh tao. Song song với khôi phục các làn điệu, các bài xẩm cổ, khi đã "nhận diện" được giá trị của xẩm tàu điện, Mai Tuyết Hoa dành nhiều công sức để khôi phục điệu xẩm này. Ðến giờ, Mai Tuyết Hoa là giọng ca số một về xẩm tàu điện. Cũng chính chị góp phần làm hồi sinh điệu xẩm độc đáo này và giới thiệu đến công chúng. Ngoài nghệ nhân Hà Thị Cầu, Mai Tuyết Hoa là nghệ sĩ trẻ duy nhất có thể vừa chơi đàn nhị, vừa hát xẩm.
Người Hà Nội giờ đã dần quen với hát xẩm nhờ sân khấu hát xẩm tại khu vực chợ Ðồng Xuân được tổ chức vào những ngày cuối tuần. Công lao để chiếu xẩm ấy ra đời, phải kể đến nỗ lực của NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Thao Giang... Và Mai Tuyết Hoa đóng góp một cách khá đặc biệt. Khi Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và Ban Quản lý chợ Ðồng Xuân có ý định tổ chức biểu diễn hát xẩm, không ít cán bộ quản lý đã phản đối. Nhiều người chưa hiểu về xẩm nên nghĩ rằng tổ chức hát xẩm như thế chả khác nào... cổ vũ cho hát rong xin tiền. Tuyết Hoa đến các cơ quan có chức năng, vừa kéo đàn, vừa hát để thuyết phục. Giờ thì sân khấu hát xẩm đều đặn sáng đèn vào cuối tuần. Tuy vậy, chị vẫn còn nhiều trăn trở. "Hà Nội là mảnh đất nghìn năm, một chiếu xẩm như hiện nay là quá ít ỏi. Mình hy vọng thành phố sẽ đầu tư thêm để những không gian văn hóa như đền Bà Kiệu, đền Bạch Mã... có thêm những hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, trong đó có xẩm", Mai Tuyết Hoa tâm sự.
Tháng 3-2012, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc Dân tộc được thành lập. Trung tâm này trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam - nơi hội tụ nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ sĩ uy tín. "Cô xẩm trẻ" Mai Tuyết Hoa được các bậc tiền bối tín nhiệm giao trọng trách là giám đốc. Và ở vị trí này, Tuyết Hoa tiếp tục có những đóng góp cho âm nhạc truyền thống nói chung, hát xẩm nói riêng.