Giảm áp lực giao thông từ hệ thống hầm chui

Trong bối cảnh quỹ đất ở khu vực nội thành còn rất hạn chế, khó mở rộng hạ tầng giao thông, việc đầu tư xây dựng các nút giao khác mức, trong đó có các hầm chui là một trong những giải pháp hiệu quả nhất nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Việc khai thác hiệu quả bốn hầm chui trên địa bàn thời gian qua là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư thêm một số hầm chui tại các nút giao phức tạp, trọng yếu khác.
0:00 / 0:00
0:00
Hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương-đường vành đai 3 sau khi được đưa vào khai thác đã góp phần giảm ùn tắc cho khu vực.
Hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương-đường vành đai 3 sau khi được đưa vào khai thác đã góp phần giảm ùn tắc cho khu vực.

Ngày nào cũng đi về trên tuyến đường Lê Văn Lương và Tố Hữu, anh Nguyễn Văn Tùng ở phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết, từ khi hầm chui Lê Văn Lương được đưa vào sử dụng (tháng 10/2022), tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này đã được cải thiện đáng kể. “Trước đây phải dừng chờ mấy nhịp đèn đỏ mới qua được nút giao, giờ đỡ hơn rất nhiều. Tôi nghĩ thành phố nên đầu tư thêm nhiều hầm chui hơn nữa cho khu vực nội đô”, anh Tùng nói.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có bốn hầm chui được đưa vào sử dụng, một hầm chui đang xây dựng. Các hầm chui đã đưa vào sử dụng tại bốn nút giao thông lớn gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương. Trong đó, hầm chui Kim Liên-Xã Đàn là hầm chui đầu tiên của Hà Nội, được khởi công xây dựng từ năm 2006, đi vào hoạt động năm 2009, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn. Tương tự, các hầm chui tại nút giao: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Trần Duy Hưng-đường Vành đai 3; Lê Văn Lương-đường Vành đai 3 sau khi được đưa vào khai thác đã phát huy vai trò tích cực đối với giao thông trên các tuyến đường hướng tâm khu vực cửa ngõ phía tây và tây nam Thủ đô. Một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng.

Từ hiệu quả thực tế này, Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư thêm một số hầm chui lớn để giảm tải áp lực giao thông trong nội thành. Từ nay đến năm 2026, nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức) có tổng mức đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng sẽ được xây dựng. Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ, bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm bốn làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng từng bước hoàn thiện tuyến đường Hồ Tây-Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32.

Một hầm chui khác đang được gấp rút chuẩn bị để triển khai trong thời gian tới tại nút Cổ Linh-cầu Vĩnh Tuy khi đây luôn là điểm nóng giao thông bởi lưu lượng phương tiện vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho hay, nút giao này có vị trí trọng yếu, là điểm trung chuyển lưu lượng giao thông lớn từ đường Vành đai 2 đi nhiều tuyến liên tỉnh, cũng như một số khu vực nội đô đông đúc. Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giao thông vận tải Phan Trường Thành cũng cho biết: “Lưu lượng phương tiện giao thông từ đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đổ về nút giao Cổ Linh rất lớn, nguy cơ ùn tắc luôn thường trực. Do đó Sở Giao thông vận tải đã báo cáo thành phố về việc cấp thiết phải đầu tư hầm chui nút giao Cổ Linh-Đàm Quang Trung, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2”.

Theo dự báo của Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đến năm 2050, số lượng phương tiện lưu thông theo hướng Quốc lộ 5 (cũ) về cầu Vĩnh Tuy sẽ lên tới 50.232 phương tiện/ngày đêm. Theo chiều ngược lại sẽ có 45.175 phương tiện/ngày đêm. Lưu lượng qua nút giao Cổ Linh được dự báo tiếp tục tăng cao theo thời gian. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc xây dựng hầm chui Cổ Linh sẽ rất thuận lợi do không vướng mắc giải phóng mặt bằng nhiều.

Dự kiến, hầm được xây dựng với kết cấu bê-tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy-Long Biên và ngược lại. Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm. Chiều dài hầm dài khoảng 500m, chiều rộng mặt cắt ngang khoảng 7,75m và hai làn xe cơ giới mỗi bên. Thông số thiết kế hầm và chức năng sử dụng cần bảo đảm tương tự các hầm chui đã đưa vào sử dụng như Lê Văn Lương, Trung Hòa, Thanh Xuân. Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh và đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có ba tầng đường gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500-700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 ■