Thông tin Y tế:

Giảm 50% bệnh nhân chuyển nặng nhờ mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng

NDO -

Vừa chăm sóc trực tuyến, vừa triển khai đội cấp cứu ngoại viện là hiệu quả thành công của mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng đang được Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai khả quan tại TP Hồ Chí Minh.

PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bộ Y tế)
PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Bộ Y tế)

Giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng

PGS, TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, lan rộng trong cộng đồng, việc đưa F0 ra khỏi cộng đồng là khó khả thi.

Trong khi thành phố triển khai cách ly F0 tại nhà thì có nhiều vấn đề đòi hỏi phải xử trí như phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, xử trí cấp cứu kịp thời và chuyển viện đúng tầng. Đồng thời, chăm sóc sức khỏe, trấn an, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng của F0 về diễn biến của bệnh.

“Một số trường hợp F0 do tâm lý lo lắng, người bệnh có thể gọi xe cấp cứu đưa đến các bệnh viện trong khi chưa thật sự cần thiết, hoặc nhập viện không đúng tầng, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện tầng trên. Việc triển khai mô hình chăm sóc F0 ở cộng đồng giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề nêu trên khi thực hiện cách ly F0 tại nhà”, PGS Lan cho biết.

Mô hình này gồm 2 đội, 1 đội chăm sóc sức khỏe trực tuyến theo mô hình bác sĩ gia đình nhằm phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng. Đội thứ hai sẽ có nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện Covid-19 được tổ chức tại địa bàn nhằm xử trí cấp cứu kịp thời khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng (do đội 1 gọi báo) và chuyển viện đúng tầng.

Theo PGS Lan, hiện nay, mô hình được triển khai tại 3 quận là điểm nóng của thành phố về số ca F0 điều trị tại nhà gồm quận 10, quận 8 và quận Bình Tân.

Với việc triển khai ngay từ cuối tháng 7, mô hình được phát huy hiệu quả tại quận 10. Trong hơn 10 ngày từ đầu tháng 9/2021, số bệnh nặng và tử vong tại địa bàn giảm hẳn. Còn tại quận 8, tỷ lệ bệnh nhân đã giảm tử vong tại địa bàn một cách rõ rệt trong khoảng 10 ngày nay.

"Chúng tôi đã huấn luyện và chuyển giao cho lực lượng y tế địa phương tiếp tục vận hành mô hình", PGS Lan cho hay. 

Quận triển khai sau cùng là quận Bình Tân đến nay đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Từ 1 tuần nay, tỷ lệ tử vong tại địa bàn này đã giảm khoảng 40-50%.

Tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1, ThS, BS Lê Phước Truyền, Trưởng khu Hồi sức cấp cứu, người phụ trách đội cấp cứu ngoại viện cho biết, nếu bệnh nhân nhẹ thì đội sẽ chăm sóc, xử lý tại khu sơ cấp cứu 20 giường của bệnh viện này, còn nặng quá thì chuyển tiếp lên tuyến cao hơn để điều trị. Cách làm này tăng tối đa sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, nhân viên y tế.

Giảm 50% F0 chuyển nặng nhờ mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng -0
Đội cấp cứu ngoại viện tiếp nhận thông tin. (Ảnh: Bộ Y tế) 

Triển vọng mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng

Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình này là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sĩ gia đình và phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số vướng mắc nảy sinh khi có một số F0 từ chối được thăm khám sức khỏe trực tuyến qua đội 1. Khi trở nặng, họ liên lạc lại đội 1, lúc này, đội 1 gọi cho đội 2 thì thông tin về F0 cũng không có đầy đủ về bệnh nền, diễn tiến bệnh, các điều trị trước,… nên đội 2 bị động, do đó hiệu quả cấp cứu cũng giảm.

Một số F0 không muốn đến trạm cấp cứu ngoại viện, chỉ muốn ở nhà thở ô-xy, khi trở nặng, việc mang đến trạm cấp cứu ngoại viện và việc thực hiện cấp cứu cũng kém hiệu quả.

Hiện nay, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đang chuyển giao mô hình này cho một số địa phương nhưng một số nơi có những băn khoăn về nguồn nhân lực thực hiện chăm sóc sức khỏe trực tuyến cho số lượng lớn F0.

"Chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp giúp sàng lọc, phân loại nguy cơ người bệnh. Đối với người có nguy cơ trung bình, cao, chuyển ngay cho nhân viên y tế chăm sóc trực tuyến. Đối với F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, người tư vấn có thể thực hiện gọi điện mỗi ngày, đánh giá tiếp tục, nếu có chuyển biến thì chuyển ngay sang cho nhân viên y tế xem bệnh", PGS Lan cho hay.

Để thích ứng với tình hình dịch mới, PGS Lan cho biết, mô hình có thể nhân rộng triển khai đến các quận/huyện; Lồng ghép mô hình vào hệ thống y tế của quận/huyện, phường/xã hoặc đưa vào hệ thống quản lý chung của Sở Y tế.

Với mong muốn tăng hiệu quả hơn nữa của mô hình, PGS Vương Thị Ngọc Lan cho rằng, lực lượng y tế địa phương nên là người chủ chốt thực hiện mô hình. Trong đó, đội 1 có thể được chủ trì bởi các trạm y tế phường/xã; đội 2 là các bệnh viện tuyến quận/trung tâm y tế quận.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan