Giải quyết vướng mắc ở các bãi tạm giữ xe vi phạm hành chính

Nhiều ngày qua, câu chuyện về hàng trăm nghìn phương tiện (chủ yếu là xe máy) nằm chất đống, xuống cấp trầm trọng, nhiều phương tiện đã trở thành phế liệu khi phơi nắng, phơi mưa nhiều năm liền tại các kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính rất được người dân quan tâm. Đây là vấn đề không mới, song mỗi lần được nhắc đến, nhiều người không khỏi xót xa số tài sản tiền tỷ bị bỏ phí nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00

Tại bãi chứa xe kho tang vật của Công an huyện Bình Chánh đang có hơn 1.800 xe máy hư hỏng, phủ đầy bụi, nằm chồng chất, ngổn ngang. Nhiều xe đã cũ, bể nát, cỏ mọc um tùm che kín. Dù đã quá tải nhưng bãi xe này mỗi tháng vẫn “đón” thêm khoảng 100 xe “nhập kho” nên càng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ở quy mô toàn thành phố, theo cơ quan chức năng hiện có khoảng 90 nghìn phương tiện đang bị tạm giữ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trong số này, chỉ hơn 12.800 phương tiện đang được Công an thành phố sung vào ngân sách nhà nước để xử lý hoặc bán đấu giá, số còn lại vẫn tiếp tục chịu cảnh nắng, mưa do chưa tới hạn làm thủ tục thanh lý, đấu giá. Còn tại Quận 6, do chưa có quỹ đất và kinh phí nên đơn vị này phải chi trả 107 triệu đồng thuê nơi tạm giữ. Tuy nhiên, ba năm qua, Công an Quận 6 chỉ bán đấu giá xe vi phạm được 200 triệu đồng, trong khi số tiền thuê mất hơn ba tỷ đồng.

Việc hàng trăm nghìn phương tiện tạm giữ bị xuống cấp không chỉ gây lãng phí tài sản của người dân, áp lực lên các đơn vị tạm giữ mà còn tồn tại nhiều hiểm họa về cháy nổ. Vụ cháy bãi giữ xe vi phạm ở thành phố Thủ Đức cách đây không lâu khiến hàng nghìn phương tiện bị hư hại hoàn toàn là bài học lớn về vấn đề an toàn cháy nổ tại các điểm giữ xe.

Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) cho rằng, đơn vị cũng muốn xử lý nhanh, gọn các phương tiện vi phạm; tuy nhiên, do vướng các quy định về thủ tục, thời gian nên vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trung bình, một phương tiện để có thể thanh lý, bán đấu giá mất hai năm.

Để giảm tải tại các điểm tạm giữ xe vi phạm cũng như tránh lãng phí nguồn lực, chi phí cho việc giữ các phương tiện, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan việc xử lý vấn đề này. Cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp tạm giữ phương tiện đối với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc khi có căn cứ xác định phương tiện vi phạm không có nguồn gốc rõ ràng, bất hợp pháp.

Việc tạm giữ các phương tiện có thể giao cho bên thứ ba, chi phí trông giữ xe do bên vi phạm chịu. Đối với thời gian tạm giữ, để chủ xe lẫn cơ quan chức năng có căn cứ xử lý, cần rút ngắn thời gian, còn một năm để tổ chức bán đấu giá; đồng thời, giải tỏa áp lực quá tải đối với các điểm tạm giữ xe…

Mới đây, Cảnh sát giao thông thành phố đã kiến nghị thành phố xây dựng bốn bãi giữ xe vi phạm với nguồn vốn khoảng 120 tỷ đồng. Đề xuất này trong bối cảnh hiện nay được xem là hợp lý; tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng nỗ lực giải quyết được các điểm nghẽn nêu trên thì có thể thành phố sẽ không cần đến các bãi giữ xe do vi phạm Luật Giao thông đường bộ.