Giải quyết vướng mắc do chậm được cấp căn cước công dân

Nhiều bạn đọc phản ánh việc chậm được cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong thời gian dài đã khiến họ gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch cá nhân.

Công an huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động cho người dân tại xã Phước Long Thọ. Ảnh: PHƯỚC AN
Công an huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp lưu động cho người dân tại xã Phước Long Thọ. Ảnh: PHƯỚC AN

Ông Nguyễn Hữu Thiện ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, em gái ông là bà Nguyễn Thị Đậm, ở xã Bình Hòa, huyện Bình Điền, tỉnh Bến Tre, có gia cảnh khó khăn lại không may mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị trong thời gian dài tại bệnh viện. Từ tháng 3/2021, bà Đậm đến cơ quan Công an huyện Bình Điền để làm căn cước công dân nhưng hơn tám tháng sau bà vẫn chưa được nhận. Do không có căn cước công dân cho nên mặc dù bà Đậm có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không được cơ quan bảo hiểm y tế chi trả tiền khám, chữa bệnh. Gia đình bà Đậm đã phải vay đến 300 triệu đồng để trả viện phí và thuốc men chữa trị cho bà. Việc chậm trễ cấp căn cước công dân còn gây nhiều khó khăn, phiền toái cho bà Đậm trong quá trình sinh hoạt, đi lại và điều trị tại bệnh viện. 

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp có ý kiến phản ánh đến tòa soạn về việc chậm trả căn cước công dân gây khó khăn, vướng mắc cho người dân trong các hoạt động liên quan thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Anh Đỗ Xuân Trường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Tôi đi làm căn cước công dân từ tháng 4/2021 đến nay gần tám tháng vẫn chưa được nhận, trong khi căn cước công dân cũ đã bị cắt góc, không còn giá trị sử dụng. Tôi không thể làm được việc gì liên quan đến pháp lý, hành chính, giao dịch ngân hàng. Tôi đã liên hệ với công an khu vực thì chỉ nhận được câu trả lời là tình trạng chung…

Ngày 26/10/2021, anh Đồng Văn Tiến ở phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng dịch vụ công quốc gia, nội dung thông tin cho biết, anh làm căn cước công dân từ ngày 24/4/2021, giấy hẹn trả ngày 24/5/2021 nhưng đến nay đã hơn sáu tháng vẫn chưa được nhận. Sau phản ánh, anh Tiến nhận được trả lời của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh hướng dẫn anh ra Ủy ban nhân dân phường nhận. Ngày 5/11/2021, anh Tiến đến Ủy ban nhân dân phường An Hòa để nhận căn cước công dân thì được thông báo là không có. “Vậy, đến khi nào thì tôi được nhận căn cước công dân và nhận ở đâu?”, anh Tiến bày tỏ băn khoăn, bức xúc.

Nhiều ý kiến có chung nội dung phản ánh, trong thời điểm dịch Covid-19 đang gia tăng, người dân vẫn thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ công dân, đi làm thủ tục cấp căn cước công dân. Có người phải đi lại nhiều lần, có người phải chờ đợi từ sáng sớm đến đêm khuya mới đến lượt làm thủ tục. Lực lượng công an sở tại cũng rất vất vả, làm việc liên tục không kể ngày đêm, không có ngày nghỉ để hoàn tất hồ sơ. Nhưng khi làm xong các thủ tục cần thiết thì việc trả căn cước công dân lại quá chậm trễ. Không có giấy tờ tùy thân, người dân đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch cá nhân. Nhiều người đã đóng phí để được bưu điện chuyển căn cước công dân đến nhà nhưng sau đó lại phải đi lại nhiều lần đến cơ quan công an các cấp mới được nhận. 

Vậy, căn cước công dân sẽ làm trong thời hạn bao nhiêu ngày? Luật sư Đoàn Cảnh Hoàng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 thì thời hạn cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân được quy định như sau: tại thành phố, thị xã, không quá bảy ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi, không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả trường hợp; tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả trường hợp. Trong thời gian chờ cấp căn cước công dân, người dân vẫn có thể thực hiện một số giao dịch, thủ tục hành chính bằng các loại giấy tờ chứng minh nhân thân như: hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… hoặc liên hệ công an cấp xã nơi thường trú đề nghị cấp số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an), việc chậm cấp căn cước công dân do một số nguyên nhân như: tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dân cư biến động, các giấy tờ tùy thân của công dân mâu thuẫn, sai lệch với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho nên cần điều chỉnh khi đi cấp căn cước công dân, hoặc một bộ phận công dân làm căn cước công dân một nơi, thường trú một nơi khác cho nên việc phối hợp điều chỉnh, cập nhật thông tin gặp nhiều khó khăn… Từ ngày 14/10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã công khai các địa chỉ: website dancuquocgia@mps.gov.vn và fanpage facebook, zalo: Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, tổng đài 1900.0368 để hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết vướng mắc cho công dân trong việc cấp căn cước công dân và đăng ký cư trú. Tại mỗi đơn vị công an các cấp đều công khai số điện thoại và thông tin các trang mạng xã hội chính thống để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thông tin, giải thích nguyên nhân chậm trễ của cơ quan chức năng là chưa kịp thời. Đối với các trường hợp có vướng mắc, cơ quan chức năng cần sớm thông tin và hướng dẫn rõ ràng để người dân hiểu, tránh phải đi lại, chờ đợi quá lâu, như trường hợp anh Đồng Văn Tiến ở thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Những trường hợp người dân đã nộp phí chuyển căn cước công dân qua bưu điện, trên giấy biên nhận đều ghi số điện thoại, ngành bưu điện cần gửi tin nhắn, điện thoại hồi âm thông tin về lý do chậm trễ.

“Người dân chưa nhận được Căn cước công dân có thể liên hệ trực tiếp cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp thẻ, hoặc qua các kênh thông tin: Fanpage “Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư” tại địa chỉ: https://www.facebook.com/ttdldc; Email: dancuquocgia@mps.gov.vn”.

(Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an)

Có thể bạn quan tâm