Từ chủ trương...
Mấy năm qua, cùng với việc cho phép 165 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các dự án phát triển sản xuất công nghiệp ở vùng nông thôn ngoại thành Hải Phòng, Thành ủy, UBND thành phố đã đề ra một số chính sách nhằm bảo đảm cho người nông dân vùng bị thu hồi đất không bị hẫng hụt về đời sống, từng bước giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thấm nhuần các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước và địa phương, thành phố Hải Phòng đề ra một số chính sách cụ thể. Ðối với các dự án sản xuất, kinh doanh khi được cấp đất phải tuyển dụng lao động ở địa phương vào làm việc, lao động ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các doanh nghiệp đạt tỷ lệ 30 - 37% trên tổng số lao động của các doanh nghiệp. Những lao động không đủ điều kiện làm việc cho các dự án được vay vốn hỗ trợ việc làm (quỹ vốn này của thành phố có 46,284 tỷ đồng). Phát triển ngành, nghề trong các thành phần kinh tế để tạo việc làm mới cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tập trung, huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi tạo cơ sở kinh doanh, dịch vụ, việc làm. Bảo đảm kinh phí đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động theo yêu cầu của các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động. Tiếp tục phân bổ lại lao động, điều động lao động và dân cư đến các vùng kinh tế mới...
Ðến thực tế
Những chủ trương nêu trên được kiểm nghiệm bằng thực tiễn cuộc sống ở xã Anh Dũng, huyện Kiến Thụy. Xã này nằm sát thành phố Hải Phòng, vì thế hơn 700 ha đất tự nhiên của xã từng bước được chuyển mục đích sử dụng phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố. Năm 1980 trở về trước, gần 300 ha đất ở đây cắt về cho Nông trường Thành Tô, Trung tâm sản xuất giống cây trồng, trại chăn nuôi giống lợn, gà... Từ năm 2002 đến cuối năm 2004, gần ba chục dự án sản xuất công nghiệp, may mặc xuất khẩu, du lịch dịch vụ, xây dựng nhà chung cư đã lấy thêm hơn 300 ha đất ruộng, đất vườn. Cả xã có 1.300 hộ, 5.000 nhân khẩu nhưng chỉ còn lại có hơn 48 ha đất canh tác. Thôn Phấn Dũng có 298 hộ, 1.130 khẩu, chỉ có chín gia đình chưa bị thu hồi đất, 34 hộ có 100% diện tích đất canh tác bị thu hồi, còn các hộ khác bị thu hồi từ 50 đến 70% diện tích đất canh tác.
Khi ruộng đất được chuyển mục đích sử dụng phục vụ phát triển công nghiệp, đời sống ở nông thôn biến đổi về nhiều mặt. Chỉ trong có mấy năm, người xa quê ở Anh Dũng nay trở lại khó có thể nhận ra. Cả xã như một công trường lớn bề bộn. Những cánh đồng trước đây trồng lúa, hoa màu đã được san lấp. Một số nhà máy, xí nghiệp đã mọc lên. Nhiều đầm ao, hồ chung quanh các làng Phấn Dũng, Trà Khê, Ninh Hải... đã được san lấp. Những khu đất rộng sau khi san lấp đã được xây tường bao, "kín cổng, cao tường" xác định rõ quyền sử dụng của các nhà đầu tư.
Thôn xóm cũng thay đổi đến không ngờ, những dãy nhà được xây dựng theo quy hoạch, kiểu đô thị với những căn nhà cao tầng nối tiếp nhau mọc lên hai bên đường làng thay thế cho những căn nhà lá đơn sơ. Ðường làng đã được trải nhựa phẳng phiu. Vào thăm một số gia đình ở thôn Phấn Dũng, chúng tôi thấy nhiều gia đình đã có nhà xây khang trang với nội thất khá hiện đại như: tủ tường, máy khâu, tủ lạnh. Một số nhà đã có ô-tô, xe máy, điện thoại. Nhà nào cũng có máy thu hình mầu, loại tài sản mà vài ba năm trước nhiều nông dân xã Anh Dũng chưa dám mơ tới. Nhìn chung, cuộc sống của người nông dân trước mắt có biến đổi và cải thiện nhiều mặt, nhưng cuộc sống về lâu dài, nhất là lao động và việc làm có được ổn định hay không sau khi phần lớn ruộng đất bị thu hồi còn phụ thuộc nhiều yếu tố mà tự bản thân người nông dân không thể quyết định được.
Một số giải pháp
Khi không còn ruộng đất để canh tác, vấn đề giải quyết công ăn, việc làm của hàng nghìn lao động trong xã Anh Dũng được đặt ra khá bức xúc. Mặc dù cả xã chỉ còn lại hơn 48 ha đất canh tác, nhưng diện tích này cũng không thể sản xuất bình thường, vì quá trình thi công san lấp mặt bằng, các xe ủi, xe gạt, máy xúc đã lấp, chặn hầu hết các công trình thủy lợi, mương tưới, mương tiêu. Hàng nghìn mét kênh mương được "cứng hóa", các công trình thủy lợi đầu mối, các cống tưới, tiêu chủ động không còn hoạt động. Nước mặn đã xâm nhập trở lại. Ông Ngô Quốc Khánh ở đội sản xuất số 2, thôn Phấn Dũng, cho biết, gia đình ông có 1,1 mẫu ruộng, bị thu hồi năm sào cấp cho các dự án, còn lại sáu sào thì chỉ một sào trồng được rau muống, năm sào không sản xuất được từ hai năm nay vì nước mặn xâm nhập.
Có một số diện tích đất canh tác nông dân cố gắng sản xuất, song lợi nhuận quá thấp, thu không đủ chi. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã tiến hành rà soát số diện tích còn lại. Tổng số diện tích còn lại là 48,34 ha. Trong đó diện tích trồng lúa 11,37 ha, rau màu các loại 3,7 ha, ao thả cá 2,5 ha; diện tích bị hoang hóa 30,77 ha. Số ruộng đất nêu trên nằm rải rác, xen kẽ tại 18 xứ đồng ở tất cả các thôn.
Bí thư Ðảng ủy xã Anh Dũng Ðỗ Quý Bằng cho biết: "Khó khăn, thách thức lớn nhất đối với xã chúng tôi mấy năm gần đây là lo công ăn, việc làm trước mắt và lâu dài cho người nông dân". Ðể giải quyết lao động, việc làm, Ðảng ủy xã Anh Dũng lãnh đạo, vận động nhân dân từng bước thực hiện một số giải pháp. Việc đầu tiên là chuyển dịch cơ cấu sản xuất số diện tích còn lại: 21,94 ha trồng rau màu các loại, để cung cấp rau sạch cho thị trường thành phố và lao động tại chỗ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; 26,37 ha thực hiện theo mô hình VAC và VA, đào ao, thả cá, nuôi trồng thủy sản. Có một số hộ nuôi tôm, ba ba để cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch...
Ðể thực hiện được các phương án nêu trên, UBND xã cùng huyện và thành phố hỗ trợ kinh phí cho các hộ khơi thông toàn bộ hệ thống mương máng, bảo đảm thau chua, rửa mặn, thoát nước kịp thời về mùa mưa và cấp nước về mùa khô. Chúng tôi gặp và hỏi chuyện vợ chồng ông Ðỗ Văn Chiêu, 56 tuổi và vợ là Ðỗ Thị Bích, 53 tuổi ở thôn Trà Khê ngay tại ao nuôi cá của gia đình ông. Ông Chiêu cho biết: Nhà có 1,5 mẫu ruộng, trong đó có 4 sào bị thu hồi phục vụ các dự án. Ðược Nhà nước đền bù 80 triệu đồng. Số tiền đền bù, một phần ông để sửa sang lại nhà cửa, phần còn lại đầu tư vào sản xuất tạo việc làm cho hai vợ chồng và sáu người con. Vì đất trũng, lại không có chỗ tưới tiêu, cho nên không trồng lúa và màu được, gia đình quyết định đào ao, thả cá. Số tiền thu từ bán cá mỗi vụ cũng chỉ đủ cho gia đình trang trải cuộc sống hằng ngày...
Việc làm thứ hai, đôn đốc và giám sát các nhà đầu tư được cấp đất nghiêm túc thực hiện cam kết tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp. Nói chung các doanh nghiệp thực hiện khá nghiêm túc sự thỏa thuận ký với xã và các hộ gia đình nông dân khi giao đất. Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Ðỉnh Vàng, May Thời Trang, Công ty cổ phần may mặc xuất nhập khẩu Hải Phòng... đã nhận 500 lao động của xã vào làm việc lâu dài. Cùng với việc nhận vào kèm cặp, vừa học, vừa làm đối với lao động trẻ, khỏe, Công ty may Liên doanh Hải Phòng đã nhận hàng chục lao động là nông dân ở lứa tuổi bốn mươi vào làm lâu dài tại đơn vị. Công ty cổ phần may mặc xuất nhập khẩu Hải Phòng giải quyết có hiệu quả một số vấn đề: Một là, mở trường dạy nghề cho con em nông dân tại chỗ sau đó tuyển thẳng vào xí nghiệp làm việc lâu dài. Hai là, không chỉ nhận những lao động trẻ, khỏe qua học nghề, công ty còn tiếp nhận một số lao động phổ thông. Ba là, công ty dành 20% số cổ phiếu để bán cho hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh với công ty. Ông Hoàng Văn Khánh, Tổng giám đốc công ty cho biết, công ty sẵn sàng thu nhận và hợp tác với những hộ nông dân tham gia góp vốn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh.
Với cách làm của một số doanh nghiệp, không ít gia đình nông dân ở xã Anh Dũng đã bớt khó khăn. Gia đình ông bà Ngô Quốc Khánh ở thôn Phấn Dũng có sáu người con, gồm trai, gái, dâu, rể trở thành công nhân, viên chức ở các công ty liên doanh. Vợ chồng ông ở nhà trông nom các cháu. Nhưng không phải ai ở xã Anh Dũng cũng có cái may mắn nêu trên, do nhiều lý do khác nhau, cho nên, nhiều lao động chưa đủ điều kiện vào làm việc ở các doanh nghiệp. Vì thế, xã phải thực hiện giải pháp trợ giúp về vốn giúp các hộ này tạo việc làm, như mở dịch vụ ăn, uống, trông xe, xây nhà cho thuê,... Hơn 170 hộ ở các thôn Trà Khê, Ninh Hải, Phú Hải, Phấn Dũng, ngay sau khi được đền bù tiền giải phóng mặt bằng đã đầu tư làm nhà trọ. Bình quân mỗi hộ có năm phòng, mỗi phòng ở được ba người và mỗi phòng mỗi tháng chỉ thu 200 nghìn đồng. Như thế, một số gia đình có năm phòng, mỗi tháng cũng thu được một triệu đồng. Chúng tôi đến thăm gia đình ông, bà Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thị Phi ở đội sản xuất số 2 thôn Phấn Dũng. Gia đình có gần hai mẫu ruộng bị thu hồi. Ðược đền bù một khoản tiền khá lớn, cùng với việc xây được một căn nhà khang trang, gia đình ông đã xây một dãy nhà năm phòng cho công nhân ở trọ. Như thế, không còn ruộng canh tác nhưng gia đình có việc làm ổn định. Chồng lo chạy giao hàng, vợ lo phục vụ quét dọn, cơm nước cho người ở trọ, con gái hơn hai mươi tuổi đi học nghề may về mở hiệu tại nhà.
Một vài kiến nghị
Qua làm việc với một số doanh nghiệp và các lãnh đạo một số ngành, chúng tôi có nêu vài kiến nghị: Vấn đề thứ nhất, đào tạo nghề cho nông dân nhằm đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp. Trong mấy năm gần đây, lao động nông thôn khu vực Hải Phòng đã cung cấp cho các doanh nghiệp hơn 30 nghìn lao động. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao: 73,47% số lao động chưa có chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 6,96% số lao động là công nhân kỹ thuật có giấy chứng chỉ; 26,53% số lao động qua sơ cấp học nghề. Do chưa có tay nghề vững, cho nên tỷ lệ bỏ việc, hoặc các doanh nghiệp cho thôi việc chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, nên có một cơ quan chức năng chuyên lo việc đào tạo, dạy nghề.
Vấn đề thứ hai, có chế độ, chính sách đền bù nhất quán đối với nông dân khi bị thu hồi đất, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài.