Giải quyết việc học nghề cho người lao động thất nghiệp

Bạn đọc Nguyễn Hà Linh (Phú Thọ) hỏi về việc học nghề cho người lao động thất nghiệp. Báo Nhân Dân xin trả lời như sau.
Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái. (Ảnh: CHUNG SƠN và TOÀN TUẤN)
Lớp dạy nghề sửa xe máy ở Trường cao đẳng nghề Yên Bái. (Ảnh: CHUNG SƠN và TOÀN TUẤN)

Tôi nghe nói, ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Xin hỏi, để được hưởng hỗ trợ, người lao động cần làm gì?

Trả lời: Việc giải quyết hỗ trợ học nghề được quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Theo đó, người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ một lần để học một nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp). Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

Người lao động có nhu cầu học nghề phải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề và trao cho người lao động phiếu hẹn trả kết quả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xác định cụ thể nghề, thời gian hỗ trợ học nghề, thời điểm bắt đầu học nghề, mức hỗ trợ học nghề, cơ sở đào tạo nghề nghiệp để trình Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.

Thời điểm bắt đầu học nghề của người lao động là thời điểm sau khi ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề nhưng không quá 3 tháng kể từ ngày ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề đối với trường hợp không thuộc diện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không quá 3 tháng kể từ ngày hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp người lao động có nhu cầu tham gia khóa đào tạo nghề đang được cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện thì vẫn được hỗ trợ nếu thời điểm bắt đầu đào tạo nghề tính đến thời điểm ban hành quyết định về việc hỗ trợ học nghề không quá một tháng và cơ sở đào tạo nghề nghiệp bảo đảm dạy bù đầy đủ kiến thức của khoảng thời gian trước khi người lao động tham gia học nghề.

Chuyển nơi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho trẻ dưới 6 tuổi

Cháu tôi đang có thẻ Bảo hiểm y tế dành cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở một địa phương khác. Nay nếu cháu được chuyển hộ khẩu về Hà Nội, cháu có thể được chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Hà Nội không?

Trần Hà My (Bắc Giang)

Trả lời:

Theo quy định hiện hành, trong trường hợp cháu bạn được chuyển hộ khẩu đến tỉnh, thành phố khác thì bố mẹ cháu cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú chuyển đến để được hướng dẫn làm thủ tục cấp thẻ Bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi, theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm y tế và lập danh sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho cháu của bạn từ nguồn ngân sách của địa phương. Khi đó, thẻ Bảo hiểm y tế của cháu bạn sẽ được đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nơi gia đình đang cư trú mới theo quy định.