Thân thiện, thấu hiểu...
Hơn nửa năm nay, cô Nguyễn Thị Phương Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Thành, huyện Thanh Bình đã yên tâm gắn bó với công việc. Trước đó, tháng 8-2019, cô Loan đang làm Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thanh Bình thì bất ngờ nhận được quyết định điều động về làm Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Thành (huyện Thanh Bình).
Bị điều động công tác mà không được báo trước, dẫn đến việc cô Loan khiếu nại, phản đối quyết định điều động mà theo cô là không hợp lý. Chờ một thời gian dài nhưng vụ việc không được lãnh đạo huyện giải quyết, cô Nguyễn Thị Phương Loan đã gửi đơn đến Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi cơ quan chức năng thực hiện các bước giải quyết theo thẩm quyền nhưng chưa thỏa đáng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp đối thoại với cô Loan.
"Khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giải thích cặn kẽ có tình, có lý, tôi hiểu ra vấn đề và nhận nhiệm vụ công tác tại Trường mầm non Bình Thành. Đến nay, tôi hài lòng với công việc ở đơn vị mới. Qua sự việc này, tôi tâm phục người đứng đầu cấp ủy của tỉnh đã có sự quan tâm, sâu sát với cơ sở, lắng nghe ý kiến của người dân" - cô Loan bày tỏ.
Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo quy định ở Đồng Tháp được các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Đến nay, tất cả cấp ủy, cấp huyện đã ban hành quy chế bí thư cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, đồng thời chỉ đạo bí thư các xã, phường, thị trấn ban hành quy chế thực hiện ở cấp mình.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Văn Cường cho biết: Tất cả đơn, thư đều được Ban Nội chính Tỉnh ủy phân loại, nhập vào phần mềm quản lý để tham mưu Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến giải quyết đầy đủ, kịp thời; cùng với đó, phối hợp với cấp ủy, các ngành liên quan, tham mưu cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân theo quy định; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành chức năng báo cáo kết quả thực hiện với Thường trực Tỉnh ủy.
Người đứng đầu cấp ủy chủ động đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân với cách ứng xử thân thiện, luôn mở lòng để thấu hiểu người dân đã là chuyện bình thường ở tỉnh Đồng Tháp. Thành ủy Sa Đéc quy định các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến xã, phường thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, trực tiếp chỉ đạo xử lý những phản ánh, kiến nghị, cũng như giải đáp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Anh Trần Thanh Hùng, ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cho biết: "Tôi đã cùng bà con nông dân trên địa bàn phường tham dự buổi đối thoại của Bí thư Thành ủy Sa Đéc về những kiến nghị liên quan đến việc giải tỏa, bồi thường đất để quy hoạch thành phố. Buổi đối thoại diễn ra cởi mở, lãnh đạo lắng nghe dân nên sự việc được giải quyết ráo riết. Sau đó, không ai nộp đơn khiếu nại gì nữa".
Huyện Hồng Ngự cũng được lãnh đạo tỉnh và nhân dân đánh giá cao vì luôn có sự thấu hiểu, tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng những kiến nghị, khiếu nại tố cáo của dân vừa có lý, vừa có tình. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Văn Công, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không phải là việc làm mới. Tuy nhiên, công việc này luôn mang tính thời sự, là phương pháp phù hợp, rất hiệu quả trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy, bí thư cấp ủy các cấp cần nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt phương pháp đối thoại trực tiếp để góp phần nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trong tình hình mới.
... để phục vụ tốt hơn
Trong năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp bảy trường hợp công dân, đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền rà soát, giải quyết khiếu nại của công dân; chủ trì họp các ngành của tỉnh nghe báo cáo đề xuất giải quyết khiếu nại kéo dài của công dân đối với năm trường hợp. Bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã tổ chức tiếp 58 lượt công dân; nhận 298 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân (đã chỉ đạo giải quyết 275 trong số 298 đơn, còn lại 23 đơn đang giải quyết). Bí thư đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức tiếp 675 lượt công dân.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin trong nhân dân nhưng công tác này vẫn còn một số bất cập. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc giải quyết một số kiến nghị, phản ánh của người dân có nơi chưa chủ động, chưa nhịp nhàng.
Để khắc phục vấn đề này, các cơ quan tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy phải thấy được vai trò của mình để từ đó tăng cường trách nhiệm. Nhiều khi phải đặt mình vào vị trí của người dân để xử lý thấu tình, đạt lý, hiểu được hoàn cảnh, cách nghĩ, cảm xúc của nhân dân để xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong các cuộc họp, hội nghị có liên quan, đề nghị người đứng đầu cấp ủy đặt câu hỏi tại sao bà con phải mất thời gian, tiền của, xa người thân, gia đình để đeo đuổi việc khiếu nại, tố cáo. Khi xử lý vụ việc muốn công tâm, người đứng đầu cấp ủy phải đứng về phía người dân, suy nghĩ như suy nghĩ của người khiếu nại.
Thực tế, có những trường hợp, người đứng đầu cấp ủy dù không hiểu nổi tại sao chuyện đã giải quyết rồi mà người dân còn đeo đẳng khiếu nại, nhưng vẫn không chịu tìm hiểu lại lịch sử, diễn biến, nguyên nhân sự việc để có biện pháp thuyết phục. Vì vậy, các cơ quan tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy cần tăng cường trách nhiệm, tránh tình trạng thấy vụ việc nào có quyết định cuối cùng, hay có bản án của tòa rồi thì không xem xét nữa. Đồng chí Lê Minh Hoan cũng chia sẻ kinh nghiệm, người đứng đầu cấp ủy phải có kỹ năng nắm thông tin nhiều chiều, cần lắng nghe cộng đồng dân cư, vì hơn ai hết những người này hiểu được nội tình.
Theo Tỉnh ủy Đồng Tháp, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc và báo cáo kịp thời đối với các trường hợp đã được Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo sau tiếp dân, xử lý đơn, thư.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự Hà Văn Công chia sẻ: Để buổi tiếp xúc, đối thoại với dân đạt được hiệu quả tốt nhất, Huyện ủy đã đề ra nhiều giải pháp cho công tác này. Trong đó lưu ý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải có thái độ chân thành, cởi mở, thẳng thắn, bình đẳng và thể hiện sự tôn trọng dân. Chỉ có như vậy, người dân mới mạnh dạn trình bày hết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình. Người chủ trì buổi đối thoại cần hiểu biết sâu rộng, toàn diện và xác định chủ đề buổi đối thoại.
Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để có tầm hiểu biết sâu rộng và kỹ năng đối thoại tốt; phải bình tĩnh, tự tin và khéo léo, tế nhị, "lái" cuộc đối thoại theo hướng tích cực, sẵn sàng tán thành, ủng hộ những ý kiến thẳng thắn, đúng đắn từ phía người dân... Giải pháp đó đưa đến tác dụng kép, đó là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền.