Giải pháp vốn cho doanh nghiệp

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hiện đang rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp mong tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nâng mức vay để có điều kiện phục hồi sản xuất. (Ảnh sản xuất tại Công ty Việt Thắng Jean)
Doanh nghiệp mong tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nâng mức vay để có điều kiện phục hồi sản xuất. (Ảnh sản xuất tại Công ty Việt Thắng Jean)

Sau khi được một ngân hàng thương mại ở quận 1 tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục, đại diện Công ty TNHH An Tâm Hoàng Thị Ngọc An (quận 3) chuyên về nông sản đặt nhiều kỳ vọng được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất được hỗ trợ 2% mới đây của Chính phủ. “Trước đây, công ty thường vận động vốn từ gia đình, bạn bè là chủ yếu; tuy nhiên, gói vay 40 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay mới, tôi đã mạnh dạn tìm đến và có thể tiếp cận được do đạt được các điều kiện vay.

Với số tiền được giải ngân, tôi có thể mở rộng nhà xưởng, nhập thêm máy móc phục vụ cho công đoạn chế biến sâu nông sản”, bà An cho biết. Cũng đang tìm hiểu các gói vay ưu đãi lãi suất, Giám đốc Công ty May mặc Thanh Ngọc, ông Đào Ngọc Hồ (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, hiện nay công ty đang vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 11%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản. “Tôi mong tiếp cận được các gói vay ưu đãi dễ dàng hơn để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Hiện nay, nhiều loại chi phí vận tải, nguyên vật liệu đều tăng giá, nếu được vay vốn giá rẻ, lãi suất thấp, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục duy trì sau thời gian “ôm lỗ” do ngừng sản xuất vì dịch bệnh”, Giám đốc Đào Ngọc Hồ chia sẻ.

Đại diện các doanh nghiệp thực phẩm, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, bà Lý Kim Chi cho hay: Các đơn vị sản xuất đang nằm trong cơn “bão giá” từ khi xăng, dầu tăng giá, đầu vào nguyên liệu ngoại nhập tăng từ 20% đến 30%. “Nếu doanh nghiệp đưa tất cả giá cả tăng vào sản phẩm thì sẽ không có người mua, kéo lạm phát rất nhanh. Ngành lương thực thực phẩm cùng thành phố tham gia bình ổn nhiều nhất và hiện nay dù rất khó khăn nhưng vẫn duy trì mặt bằng giá ổn định”, bà Chi khẳng định. Theo bà Chi, doanh nghiệp sản xuất đang trong tình trạng khát vốn.

Trước đây, nếu doanh nghiệp chỉ cần 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên liệu thì giờ phải thêm 50 tỷ đồng do giá cả tăng cao. Ngành thực phẩm đang sản xuất rất tốt nhưng lại không dám nhận đơn hàng lớn, trong khi các đối tác ở châu Âu đặt hàng rất nhiều; thậm chí, một số quốc gia còn bỏ kiểm dịch để hàng Việt Nam vào nhanh hơn nhưng doanh nghiệp cũng không dám nhận. Lý do là không có tiền vốn mua nguyên liệu dự trữ. “Chúng tôi chỉ mong được ngân hàng nâng mức cho vay và triển khai các chính sách nhanh hơn, để doanh nghiệp có thêm vốn sản xuất. Để có thể cầm cự, doanh nghiệp phải tự vay vốn bạn bè, người thân nhưng số tiền vay cũng không được nhiều nếu so với ngân hàng”, bà Chi nhấn mạnh.

Ngày 18/6, tại chương trình Cafe Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - HUBA tổ chức với chủ đề: “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế”, Phó Chủ tịch HUBA Nguyễn Phước Hưng nhìn nhận: Hiện các doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc… “Chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp rất lớn trong khi thực tế tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó”, ông Hưng cho biết. Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực đặt vấn đề vốn là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Vậy đâu là các dòng vốn cho doanh nghiệp? Ông Lực liệt kê có ít nhất sáu dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó là dòng vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ đối tác, vốn tài trợ từ chuỗi cung ứng, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư, vốn tự có… Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng cũng có các gói tín dụng hay tham gia các chương trình “tài chính xanh”, huy động vốn từ nước ngoài như phát hành trái phiếu, vay vốn… “Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các dòng vốn từ nhiều kênh. Lâu nay doanh nghiệp thiếu vốn cứ nghĩ đến ngân hàng, điều này đúng nhưng không đủ, đúng nhưng không trúng. Vì còn nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng không có phương án sử dụng vốn tốt, thiếu tài sản thế chấp.

Do đó, cần công khai minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp để dễ dàng tiếp cận các dòng vốn” - TS Cấn Văn Lực tư vấn. Thống kê 5 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,07 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 chỉ tăng 1,75% và giai đoạn trước khi có dịch Covid-19 năm 2019, tín dụng trên địa bàn cũng chỉ tăng 6,47%. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trên địa bàn trong những năm gần đây, cao hơn nhiều so với cả giai đoạn trước khi có dịch Covid-19.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất mới đây của Chính phủ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh khẳng định: Đây là một trong những nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng thành phố. Vì vậy, đơn vị này đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống. Trong đó, tập trung tổ chức xây dựng quy trình nghiệp vụ, tập huấn và hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

“Các ngân hàng phải thông tin, tư vấn, hướng dẫn khách hàng, doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ. Qua đó, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả. Trong trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng phải có văn bản thông báo cho khách hàng. Ngoài ra, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cần báo cáo ngay về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố để kịp thời giải quyết”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố sẽ có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động; đưa chuyển đổi số vào để tạo động lực tăng trưởng; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia vào chuyển đổi số. Thành phố cũng tập trung gỡ thật nhanh những vướng mắc về thủ tục của các dự án để đưa đồng vốn lưu thông vào trong hoạt động sản xuất. Đồng thời tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách, điều hành triển khai của lãnh đạo thành phố thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề…