Nuôi tôm: người khóc, người cười
Năm 2005, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh Bến Tre là 6.244 ha, nhưng chỉ có 142 ha thiệt hại do tôm bị bệnh chết. Tuy nhiên, vào vụ năm nay số lượng tôm bị bệnh dịch chết lên đến mức đáng báo động: 554 ha trên tổng số 3.739 ha vào thời điểm hiện nay. Tôm bị thiệt hại sớm ở giai đoạn từ 20 đến 45 ngày tuổi, mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh đốm trắng gây ra. Trong đó, huyện Bình Ðại là địa phương bị thiệt hại nặng nhất (467 ha), tập trung nhiều ở hai xã Thạnh Phước (137,2 ha) và Ðại Hòa Lộc (212 ha).
Theo cảm nhận của anh Sáu Rê, Bí thư xã Thạnh Phước, con số tôm thiệt hại của hai xã nêu trên, mỗi xã có đến từ 30 đến 40% số hộ bị thiệt hại đang lâm vào cảnh phá sản, nợ nần, thậm chí ngân hàng còn khoanh nợ, chuẩn bị kê biên định giá tài sản. Vào những ngày này, xuống Bình Ðại mới cảm nhận được hết cảnh buồn tẻ và nỗi lo toan của một làng quê vốn rất sôi động, nhộn nhịp sau mỗi vụ mùa.
Ông Võ Văn Mãnh 65 tuổi ở xã Ðại Hòa Lộc có thể nói là người may mắn trong vụ nuôi này. Qua trao đổi, biết ông có hơn 1 ha đất, làm ruộng từ nhỏ đến lớn mà không thấy có sự đổi đời. Ba năm nay, không làm ruộng nữa, vợ chồng, con cái đào bốn ao nuôi tôm, năm đầu nuôi quảng canh, hai năm rồi nuôi công nghiệp. Ngồi trên bờ, ông chỉ cho chúng tôi xem cái ao khoảng 1.800 m2, năm rồi ông thu được 1,7 tấn, lời 20 triệu đồng, hai ao bên cạnh lớn hơn, trừ chi phí cả ba ao lãi được 95 triệu đồng. Theo ông là thả mật độ thưa, tôm mau lớn, ít bệnh và ít tốn thức ăn, "người ta thả 2.000 m2 mặt nước là một trăm nghìn con, còn tôi chỉ thả 60 nghìn con, ăn ít no lâu". Bên cạnh đó, cũng có không ít người nuôi tôm trắng tay, như ông Nguyễn Văn Ðù ở ấp 6, xã Thạnh Phước, lỗ gần 400 triệu đồng, đã bán hết 4 mẫu đất để trả nợ vay ngân hàng. Chưa hết, ông còn vay nóng bên ngoài 500 triệu đồng, lãi 6%/tháng, hiện tại không còn khả năng trả nợ.
Bà Phạm Thị Dụt ở ấp Bình Thạnh 3 xã Thạnh Trị, có bảy công rưỡi đất, mới lên ao nuôi tôm, vụ đầu thất bại, vụ kế có lời bù lại cho vụ trước, nhưng đến vụ này thì sau hai tháng nuôi, lỗ 40 triệu đồng, đang nợ ngân hàng 30 triệu đồng và vay bên ngoài ba cây vàng. Ông Tám Lùn cũng ở Thạnh Phước, nuôi quảng canh thì giàu, nhưng chuyển sang nuôi công nghiệp thì lỗ, bị ngân hàng phát mãi mấy vuông tôm quảng canh.
Vì sao tôm chết?
Chung quanh câu hỏi vì đâu tôm chết ngày một nhiều? Gặp một số người nuôi đang uống nước ở một quán cạnh đầu đê Ðông nằm trên địa bàn xã Thạnh Phước lại có thêm nhiều chi tiết. Anh Trần Văn Kha, cho biết: "không chết sao được, con trâu cũng chết chứ đừng nói đến con tôm. Lúc đầu thì ít người nuôi, kênh mương còn đủ sức để làm nhiệm vụ cấp và thoát nước, dần về sau nhiều người nuôi, hết đất bên trong thì lấn ra bên ngoài, mà sông rạch lại không tăng thêm. Người này thả nước ra, người kia bơm vào, lâu ngày nguồn nước làm sao mà không bị ô nhiễm, chưa nói tới nhiều người ẩu tả, tôm bị dịch cũng lén xổ ra nguồn nước chung, chứ có chỗ nào đâu mà chứa. Con giống thì trôi nổi, mạnh ai nấy bán, nấy mua. Giống thì có hạn mà người nuôi thì nhiều, tôm bố mẹ hết rồi thì bắt tôm lứa ra ép cho đẻ, rồi đưa nhiều hóa chất vào, thấy vẫn tốt, nhưng nuôi hoài không lớn. Có trạm kiểm dịch cũng như không, đặt ở phà Rạch Miễu, ai đưa mẫu tới thì kiểm, còn chạy luôn thì thôi, nhưng con tôm giống nó đâu chỉ có đi trên đường bộ, mà có cả đường sông và đường biển từ Gò Công qua và từ Trà Vinh sang, tôm đi ban ngày chưa đủ, còn đi cả ban đêm thì đâu có ai kiểm soát nổi".
Như vậy, nguyên nhân trực tiếp gây ra dịch bệnh trên tôm khá rõ ràng và cụ thể. Quy hoạch vùng nuôi chưa thật sự khép kín; hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm chưa được đầu tư hoàn chỉnh; kế hoạch thả nuôi chưa đồng bộ; người nuôi còn tùy tiện thả nuôi theo mật độ cao, không tuân thủ việc phân định liều lượng thức ăn theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đã gây nên tình trạng tôm bị dịch bệnh và phát tán, lây truyền cao hàng năm. Hơn nữa, lực lượng quản lý kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi, cũng như đội ngũ cán bộ ngư y của tỉnh này còn quá mỏng, không đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Nhưng quan trọng trên hết vẫn là ý thức người nuôi chưa cao: mua giống trôi nổi không qua kiểm dịch, không tuân thủ các khuyến cáo của tỉnh, mà tự ý nuôi thả theo cách riêng của mình, dẫn đến không chỉ gây hại cho cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chung của cả khu vực nuôi. Vấn đề hiện nay là Bến Tre phải có biện pháp khắc phục ngay tình trạng trên một cách hiệu quả nhất, để ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm sú - một tiềm năng rất lớn của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Ðâu là giải pháp?
Thực trạng nuôi tôm ở Bến Tre những năm gần đây cho thấy nghề này đã thật sự cuốn hút người nuôi, vì hiệu quả mang lại từ con tôm rất cao. Nhưng theo Sở Thủy sản Bến Tre, tổng diện tích thả nuôi tôm năm 2006 có giảm nhiều so với các năm trước, vì nghề nuôi này càng phát triển thì sự rủi ro lại càng cao và tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng nghiêm trọng hơn, mà chưa có biện pháp khắc phục có hiệu quả cao.
Vấn đề quan tâm nhất hiện nay vẫn là tôm sú nuôi, do có diện tích nuôi lớn, vốn đầu tư cao và hiện đang là mặt hàng chiến lược có giá trị xuất khẩu cao, giúp người nông dân xóa nghèo nhanh, nhưng đồng thời cũng có quá nhiều rủi ro để người nông dân tái nghèo nhanh, nếu vùng nuôi không được quản lý tốt nhằm loại trừ dịch bệnh và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, trong vụ nuôi năm nay, lợi dụng tình hình UBND tỉnh cho phép thả giống sớm ở các khu vực nuôi tôm quảng canh, tôm rừng ở một số khu vực có độ mặn sớm. Một số hộ nuôi thâm canh, bán thâm canh, tôm lúa ở khu vực Thạnh Phước, Thạnh Trị, Ðịnh Trung, Bình Thới, huyện Bình Ðại đã tự ý nhập giống thả nuôi thâm canh và bán thâm canh trên diện tích 105,72 ha không qua kiểm dịch. Do đó, thiệt hại tôm sau 20 ngày đến ba tháng tuổi chiếm đến 78% diện tích thả nuôi. Nhưng, điều đáng quan ngại nhất vẫn là việc ý thức của người nuôi quá kém, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn vùng. Ðó là, sau khi tôm chết hầu hết người nuôi không xử lý trước khi xả thải ra môi trường, và việc nạo vét bơm bùn đáy ao không đưa vào ao chứa bùn theo quy định của ngành, mà trực tiếp xả thải ra ngoài kênh rạch tự nhiên để chuẩn bị thả nuôi lại... Những hành vi tiêu cực đó đã gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh lây lan sang những khu vực mới thả tôm chính vụ.
Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, Trần Thị Thu Nga cho biết: Ðúng là thực trạng tôm chết năm nay có tính chất nghiêm trọng hơn, thiệt hại cao hơn so với các năm. Khắc phục tình trạng này, một mặt Sở tăng cường theo dõi, khoanh vùng nhằm ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình hình dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Ðồng thời theo dõi chặt chẽ việc thả giống, tình hình phát triển tôm nuôi, phối hợp địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp bơm bùn, xả thải mầm bệnh ra kênh rạch khi chưa được xử lý triệt để. Tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, tăng tần suất lấy mẫu và chỉ tiêu phân tích, khuyến cáo kịp thời cho người nuôi tình hình diễn biến môi trường, dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác khuyến ngư cùng với các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền đến với người nuôi các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Tiếp tục kiểm tra lại các cơ sở chưa đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với các giải pháp trên là đào tạo nhanh cán bộ ngư y nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trước mắt ở cơ sở, chuẩn bị cho chiến lược phát triển lâu dài của ngành nuôi thủy sản, quản lý chất lượng con giống, củng cố và kiện toàn ban quản lý vùng nuôi, nhất là ban quản lý tổ hợp tác không chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có trách nhiệm cao và trung thực cũng phải được coi là công việc thường xuyên. Và, điều cốt lõi hiện nay ở Bến Tre là trung tâm giống vẫn chưa đủ cung cấp cho người nuôi. Vậy thì vẫn còn tình trạng mua giống trôi nổi thì hậu quả nuôi là khó lường.