Gạo Việt Nam đạt chứng nhận ngon nhất thế giới:

Giải pháp nào xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam?

NDO - 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự thi với 6 loại gạo, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST 24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seed dự thi gạo TBR39, TBR39_1 đã thắng giải cao nhất ở cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Câu chuyện này một lần nữa khơi gợi việc cần thiết xây dựng thương hiệu gạo quốc gia từ những “bàn đạp” hữu ích này.
0:00 / 0:00
0:00
Gạo ST 25 là một trong 6 loại gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023.
Gạo ST 25 là một trong 6 loại gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Tín hiệu vui cho gạo Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về gạo Campuchia và gạo Ấn Độ.

Được biết, năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự thi với 6 loại gạo, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seed dự thi gạo TBR39, TBR39_1. Do đó, Ban tổ chức vinh danh gạo Việt Nam chứ không vinh danh loại gạo cụ thể của công ty nào.

Việc gạo Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon là một tín hiệu vui cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11, ước tính khối lượng gạo xuất đạt 700.000 tấn với giá trị 462 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2023 đạt 7,75 triệu tấn và 4,41 tỷ USD, tăng 16,2% về khối lượng và tăng 36,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, chỉ đến giữa tháng 11, kết quả xuất khẩu gạo đã vượt kết quả của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).

Không chỉ duy trì được lượng xuất khẩu ở mức khả quan mà giá xuất khẩu gạo cũng neo ở mức rất cao. Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện gạo Việt Nam vẫn giữ nguyên mức giá 658 USD/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây (thời điểm 21/11 giá gạo Việt Nam tăng 10 USD, lên 663 USD/tấn nhưng ngay sau đó đã giảm lại mức 658 USD/tấn và duy trì ổn định ở mức này).

Giải pháp nào xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam? ảnh 1
Gạo Lộc Trời đang được bán ở châu Âu với giá cao.

Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.

Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).

Việc được vinh danh ở giải thưởng gạo ngon đã giúp cho thương hiệu gạo Việt Nam được nhiều người biết đến. Đối với gạo ST25, ngay sau khi được vinh danh gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 đã liên tục được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Anh, Australia, Nhật Bản… với lượng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Tập đoàn Lộc Trời cũng đã có gạo Hạt Ngọc Trời từng lọt Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015 và đây là bàn đạp hữu ích cho gạo của Lộc Trời xây dựng thương hiệu thành công.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, gạo Việt Nam từ xưa đến nay không có thương hiệu trên thế giới. Mặc dù vậy, khi Tập đoàn Lộc Trời gặp được các chuyên gia lúa gạo đầu tiên, họ khẳng định lúa gạo Việt Nam là một trong những nguồn tốt nhất thế giới.

“Lúc đó tôi mới đặt ra câu hỏi tại sao gạo Việt Nam không xuất hiện trên thị trường thế giới với thương hiệu Việt Nam? Hiện 1 năm chúng ta xuất khẩu đi nước ngoài 6 triệu tấn gạo nhưng tại sao chưa có thương hiệu riêng của doanh nghiệp? Bắt đầu từ câu hỏi đó, dựa trên nền tảng chuyên gia và nhà khoa học xác nhận rõ ràng rằng, gạo Việt Nam tốt nhất thế giới cả về chất lượng, quy trình, dư lượng thuốc trừ sâu… chúng tôi xác nhận rằng đó chính là điều kiện cần của gạo Việt”, ông Nguyễn Duy Thuận nói.

Từ câu hỏi đó, điều kiện đủ là gạo Việt Nam phải có mặt tại siêu thị ở châu Âu vì với châu Âu, siêu thị chiếm 90% tiêu dùng tại thị trường này. Xác định mục tiêu, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng một thương hiệu và tháng 7/2022, cùng với Thương vụ Việt Nam tại Pháp giới thiệu 1 đơn vị nhập khẩu, xây dựng thương hiệu Cơm Vietnam Rice để xuất khẩu vào thị trường. Ngay lập tức, loại gạo này đã tạo ra sự tò mò của người dân thế giới với câu hỏi “Cơm là gì?”.

Sau đó, Lộc Trời tổ chức giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng thị trường Pháp. Người tiêu dùng đã chấp nhận sản phẩm và phản hồi rằng cơm Việt Nam rất thơm, ăn rất ngon. Đặc biệt, gạo Việt Nam sau khi được giảm 200 Euro/tấn nhờ Hiệp định EVFTA thì trở nên rất cạnh tranh.

Ngày 2/9/2022, gạo Cơm Vietnam Rice đã xuất hiện ở hệ thống siêu thị châu Âu với giá bán lẻ 4000 Euro/tấn. Đây là giá đắt nhất thị trường và đến nay, Lộc Trời vẫn duy trì được mức giá này.

Chung tay xây dựng thương hiệu gạo

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan song theo đánh giá của Bộ Công thương, quy mô sản xuất lúa gạo trong nước hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến có lúc khó kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ khiến chất lượng gạo không đồng đều, thiếu sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ; thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất gạo theo lợi thế của vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường. Đây cũng là một nhân tố khó đoán định.

Trước những nhân tố trên, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Đó chính là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó, cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với doanh nghiệp, hiệp hội, giữa doanh nghiệp, hiệp hội với địa phương sao cho việc tổ chức sản xuất lúa gạo thông suốt qua các chuỗi giá trị bền vững.

Giải pháp nào xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam? ảnh 3
Vùng nguyên liệu là yếu tố quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo.

Về phía các chuyên gia, GS Võ Tòng Xuân nêu thực trạng, về doanh nghiệp, thí dụ với gạo ST25, bản thân ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST25 - cũng chưa tổ chức được việc trồng trên diện tích rộng, nguyên liệu đồng nhất, bao bì tốt, đẹp... Đây là hạn chế khiến lượng xuất khẩu gạo ST25 chưa cao.

Doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả Vinafood là công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam nhưng cũng không có nguồn nguyên liệu. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần thiết lập Chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam; đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...

Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu gạo Việt cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Nhà nước cần hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.