Hà Tĩnh hiện có 5.726 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường và thôn, tổ dân phố. Dù mỗi người được giao phó mỗi trọng trách khác nhau, nhưng họ luôn đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân trong việc triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Ðóng vai trò trung tâm kinh tế động lực của Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ, thị xã Kỳ Anh đang tạo ra những bước phát triển vững chắc và trở thành đầu tàu kinh tế của địa phương.
Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo thị xã, với đặc thù của một đô thị mới, đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nên địa phương phải ưu tiên nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đô thị, giải quyết tồn đọng… Tuy nhiên, có những thời điểm, vai trò của một số đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương thể hiện khá mờ nhạt, hoạt động cầm chừng, đôi khi còn mang tính hình thức.
Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể cơ sở phụ thuộc hoàn toàn vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Do đó, nhiều vấn đề phát sinh từ cơ sở không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, môi trường thu hút đầu tư trên địa bàn…
Nhận thức được những khó khăn đó, Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh đã mạnh dạn đổi mới, lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là khâu đột phá để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, các đảng viên và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Huy Trọng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Kỳ Anh, Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thị ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021-2025 đã đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển của địa phương. Tính từ tháng 2/2021 đến nay, Ðảng bộ thị xã đã thực hiện 470 cuộc sinh hoạt điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đổi mới theo hướng sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ, gắn thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống cơ sở.
Tổ dân phố Hưng Nhân, phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh) được xem là điển hình trong quá trình huy động sức dân xây dựng đô thị văn minh. Theo đồng chí Ðậu Thị Quỳnh Nga, Bí thư Chi bộ Hưng Nhân, quá trình mở rộng 56 tuyến đường, ngõ phố với chiều dài hơn 3 km bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng vấp phải không ít khó khăn do thiếu nguồn lực, một số hộ dân chưa đồng thuận hiến đất giải phóng mặt bằng. Ðể hóa giải những khó khăn này, từ gợi ý của cấp trên, Chi ủy đã mạnh dạn tổ chức cuộc sinh hoạt đảng chuyên đề với nội dung "Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tập trung huy động sức dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng". Ðây cũng chính là một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 02 về nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ của Ban Thường vụ Thị ủy.
Cũng theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ Hưng Nhân, khác với những đợt sinh hoạt chi bộ trước đây, tại cuộc sinh hoạt chuyên đề, chi ủy phải chuẩn bị kỹ nội dung để các đảng viên, đại biểu bàn sâu về nội dung được đưa ra. Ngoài sự hiện diện của các đồng chí Thường vụ Thị ủy, Ðảng ủy phường, Chi ủy còn mời các đồng chí đại diện của các chi bộ có điều kiện kinh tế-xã hội tương đồng với tổ dân phố Hưng Nhân đến dự góp ý, bổ sung, cùng tìm ra giải pháp tác động có tính lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo nên tiếng nói đồng thuận. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ theo nội dung mới, ngoài vai trò "đi đầu, bước trước" của cán bộ, đảng viên, tổ dân phố cần quán triệt và triển khai có hiệu quả hơn nữa quy chế dân chủ cơ sở, phải thực hiện xuyên suốt quan điểm lấy dân làm gốc để tiếp cận, giải quyết mọi vấn đề đặt ra. Sau đợt sinh hoạt, các cán bộ, đảng viên được phân công nhiệm vụ phụ trách từng tổ liên gia, tiên phong hiến đất mở đường, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động, tuyên truyền, giải thích chủ trương xây dựng khu phố văn minh của phường…Thông qua sự tận tụy của các đồng chí cán bộ, đảng viên và dưới áp lực đồng thuận của cộng đồng dân cư, các hộ dân cũng đồng tình, tự nguyện hiến đất mở đường.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hưng Trí Nguyễn Ðình Tài, phương pháp huy động sức dân, tạo sự đồng thuận ở tổ dân phố Hưng Nhân cũng là cách làm được phường thực hiện xuyên suốt trong những năm qua, nhờ đó đến nay Hưng Trí hoàn thành cả 52 tiểu tiêu chí đô thị văn minh.
Ðồng chí Nguyễn Thế Anh, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Kỳ Anh, nguyên là Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã thông tin, tính từ năm 2015 đến nay, địa phương đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ 172 dự án, với tổng diện tích đất phải thu hồi lên đến 1.554 ha, ảnh hưởng đến gần 14.000 lượt hộ dân. Riêng năm 2024, thị xã đang triển khai 41 dự án giải phóng mặt bằng, với diện tích đất thu hồi 325,9 ha, của 3.427 lượt hộ bị ảnh hưởng. Với khối lượng công việc khá lớn và yêu cầu tiến độ cao, thời gian qua, cấp ủy các cấp ở thị xã Kỳ Anh đã đảm đương rất tốt vai trò hạt nhân đoàn kết, tập hợp sức mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.
Luồng sinh khí mới
Ðồng chí Hoàng Văn Tùng từng công tác tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền trung (tỉnh Bình Ðịnh), song do hoàn cảnh gia đình, đồng chí đã về quê công tác và đảm nhận chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên) phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp, diêm nghiệp, khuyến nông…
Theo đồng chí Tùng, nói là cán bộ bán chuyên trách nhưng yêu cầu và khối lượng công việc đặt ra khá lớn, những năm trước đây do chế độ phụ cấp thấp, quá trình thực hiện nhiệm vụ đôi lúc bị chi phối bởi điều kiện kinh tế gia đình, do đó dù đã nỗ lực nhưng hiệu quả công tác chưa cao.
"Khó nhất là những thời điểm xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, bản thân tôi phải lăn lộn khắp làng trên, xóm dưới, song mức phụ cấp hằng tháng mới chỉ đủ trang trải chi phí xăng xe", đồng chí Tùng trải lòng.
Mọi việc thay đổi từ tháng 10/2023 khi tỉnh Hà Tĩnh áp dụng mức phụ cấp mới cho các chức danh hoạt động không chuyên trách theo Nghị quyết số 111 ngày 22/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định về chức danh, mức phụ cấp và kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hằng tháng và mức phụ cấp kiêm nhiệm của người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp đối với một số chức danh khác trên địa bàn (Nghị quyết số 111).
Theo tính toán của đồng chí Hoàng Văn Tùng, từ chỗ chỉ nhận được mức phụ cấp mỗi tháng 1.837.000 đồng, với quy định mới, đồng chí Tùng được nhận mức phụ cấp 1.5 đối với chức danh phụ trách nông, ngư, diêm nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, thương mại dịch vụ và thêm khoản phụ cấp 1.5 đối với chức danh kiêm nhiệm phụ trách chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật. Với mức lương mới như hiện nay, tính ra mỗi tháng đồng chí Tùng được nhận hơn 7 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Phúc Thăng Hoàng Kim Túy, từ khi áp dụng định mức phụ cấp mới, các đồng chí hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn đã thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết của mình đối với nhiệm vụ được phân công. Nhờ đó, công tác điều hành, chỉ đạo, thực hiện của chính quyền cũng thông suốt và đạt hiệu quả cao hơn so với những năm trước đây.
Theo đánh giá của Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Kỳ Anh Nguyễn Thế Anh Nghị quyết số 111 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thật sự đã khơi thông được nguồn lực, trách nhiệm của hệ thống chính trị cấp cơ sở.
Tương tự thị xã Kỳ Anh, nhận thức được vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, thời gian qua, huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức rà soát kỹ lưỡng, mở rộng diện nguồn; hằng năm đều tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức.
Ðồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết: Ngay sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 111, Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Xuyên đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương thu hút người trẻ, đào tạo cơ bản, ưu tiên các đồng chí là đảng viên, con em quê hương để bố trí đảm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách từ cấp xã đến thôn, đây sẽ là nguồn bổ sung có chất lượng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Chia sẻ về những điểm mới trong chế độ chính sách đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thôn, tổ dân phố được đề cập trong Nghị quyết số 111, Trưởng ban Pháp chế (Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Nhuần cho biết: Ngoài việc tăng mức phụ cấp thì Nghị quyết số 111 đã bố trí đầy đủ các chức danh, phụ cấp đối với tất cả các chức danh theo quy định của Chính phủ và có sự tương đồng về mức phụ cấp giữa các khối. Ðặc biệt, nhờ mạnh dạn phân quyền cho cấp xã chủ động, linh hoạt bố trí các chức danh kiêm nhiệm và trình phương án để cấp huyện phê duyệt nhằm phát huy năng lực, sở trường của mỗi cán bộ gắn với thực tiễn, yêu cầu của địa phương, từ đó khuyến khích, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ, trọng trách được giao phó.