Bất cập trong công tác phòng, chống
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, năm 2018, công tác phòng ngừa thiên tai, nhất là các hoạt động phòng ngừa phi công trình được đặc biệt quan tâm, tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp được rà soát, từng bước chi tiết hóa. Phương án sẵn sàng ứng phó lũ lớn, bão mạnh, siêu bão… được rà soát, hoàn thiện, quán triệt tới các ngành, các cấp, nhất là tổ chức diễn tập, truyền hình trực tiếp việc vận hành xả lũ khẩn cấp, bảo đảm an toàn hạ du sông Hồng, vận hành trạm trực canh, cảnh báo đa thiên tai...
Mặc dù nhiều giải pháp đã được thực hiện đầy đủ, khá bài bản, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập trong phòng, chống thiên tai, nhất là trước những trận bão, lũ lớn. Ðặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, nhất là dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Mặt khác, nhận thức của các cấp chính quyền, ý thức của người dân về phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn hạn chế, nhiều trường hợp sự cố đáng tiếc do xây dựng cơ sở hạ tầng, khu vực sản xuất thiếu quan tâm yếu tố thiên tai. Bộ máy quản lý nhà nước, kiểm soát an toàn thiên tai, kiểm soát việc thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai còn thiếu, yếu, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, xã; cơ sở dữ liệu, công cụ quản lý, hệ thống giám sát, nhất là giám sát trực tuyến chưa đầy đủ, đồng bộ. Chưa có trung tâm chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai chuyên nghiệp ngang tầm các nước trong khu vực. Năm 2018, thiệt hại do thiên tai gây ra, mặc dù đã giảm so trung bình nhiều năm, nhưng vẫn làm 224 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị đổ, trôi; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là vô cùng lớn. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20 nghìn tỷ đồng (bằng một phần ba so thiệt hại năm 2017).
Theo Vụ Kiểm soát An toàn thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong năm 2018 là tỉnh Khánh Hòa. Chỉ tính riêng trong hai đợt mưa lũ với cường suất lớn xảy ra tại TP Nha Trang từ ngày 17 đến 18-11 và từ ngày 24 đến 26-11 đã gây lũ quét, sạt lở đất làm 20 người chết, 33 người bị thương, 352 nhà bị sập, hư hỏng. Hai đợt lũ này cho thấy nhiều bất cập trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai tại tỉnh Khánh Hòa. Ðiển hình là chất lượng công tác dự báo còn hạn chế. Thực tế cho thấy mưa cực đoan với cường suất lớn, vượt xa mức dự báo là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cảnh báo nguy cơ rủi ro thiên tai đến người dân chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức và thực hiện kịp thời.
Ðiều đáng nói là công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai ở địa phương còn hạn chế, dẫn đến nhận thức của các cấp chính quyền nhất là cấp xã và người dân về thiên tai chưa cao cho nên người dân chưa có biện pháp phòng tránh kịp thời. Ðồng thời, việc xây dựng, rà soát, thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến tình trạng khi xảy ra thiên tai, cả chính quyền và người dân rất lúng túng trong ứng phó.
Phòng ngừa là chính
Thực tế đã chứng minh, làm tốt công tác phòng, chống, dẫn đến giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại luôn đỡ tốn công sức và tiền của hơn công tác khắc phục. Chính vì vậy, năm 2018 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành trong công tác phòng, chống thiên tai, cả nước đã xây dựng và bàn giao 15.600 trong số 23.188 nhà phòng, chống lũ bão cho khu vực miền trung; trồng và bảo vệ 157.202 ha rừng; sửa chữa, nâng cấp 84 hồ chứa; tu bổ, nâng cấp 70 km đê, kè; đưa vào sử dụng 51 trạm trực canh cảnh báo đa thiên tai; 1.000 trạm đo mưa, tám ra-đa thời tiết. Tổ chức các hoạt động cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Mùa mưa bão năm 2019 đã đến, để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, nhiệm vụ trọng tâm là cần rà soát, điều chỉnh về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp cùng các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng, chống thiên tai. Trong đó, tập trung xây dựng nghị định về sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện bao gồm cơ quan chuyên trách phòng, chống thiên tai. Xây dựng và ban hành bộ chỉ số kiểm soát an toàn thiên tai tiến tới xây dựng nghị định kiểm soát an toàn thiên tai. Ðặc biệt, xây dựng quy hoạch phòng chống, thiên tai và thủy lợi quốc gia; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có xem xét đầy đủ yếu tố phòng, chống thiên tai. Ðồng thời, quan tâm công tác xã hội hóa trong phòng, chống thiên tai.
Mặt khác, cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án đầu tư, tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, hệ thống cảnh báo đa thiên tai, công trình chống ngập đô thị lớn, các dự án ODA về phòng chống thiên tai… Xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng trở nên khốc liệt, khó lường. Thêm vào đó, cần khẩn trương hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sơ tán dân khẩn cấp khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất. Xây dựng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền trung, Tây Nguyên (nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão).