Tình trạng thiếu trường học của Hà Nội đang là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm khi xuất hiện tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để đăng ký chỗ học cho con sau khi trượt nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu trường học công lập trong khu vực nội thành, nhất là ở những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp kiểm tra các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai tại quận Hoàng Mai. Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, ngoài quận Hoàng Mai thì hai quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cũng là địa bàn có đông học sinh khi tập trung nhiều khu dân cư mới, dân số cơ học tăng nhanh, dẫn tới thiếu trường học công lập.
Để giải bài toán này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, có dự án sử dụng đất nào chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất quan tâm đến công tác giáo dục khi dành nguồn lực về tiền, đất đai, nhân lực để chăm lo cho ngành giáo dục.
Cập nhật số liệu đến ngày 10/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm nay, thành phố có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, số lượng học và tỷ lệ tuyển sinh vào trường trung học phổ thông theo kế hoạch là khoảng 102.000 học sinh; trong đó tuyển vào công lập 77.480 học sinh, chiếm tỷ lệ 59,96%.
Tuy nhiên, sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hạ điểm chuẩn bổ sung cho 31 trường trung học phổ thông, thì số học sinh nhập học vào lớp 10 công lập là 78.623 em, đạt 60,9%, tăng 1.000 học sinh so với năm học trước. Điều đáng lo ngại là, theo dữ liệu dự báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong ba năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở tăng khoảng 28.912 học sinh, tương đương khoảng 722 lớp, càng gia tăng áp lực cho phụ huynh, học sinh và ngành giáo dục Thủ đô khi thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Trước dự báo này, thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường trung học phổ thông công lập, tập trung rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp trong các khu đô thị, khu nhà trên địa bàn thành phố, nhất là tại những nơi thiếu trường, lớp học; ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy… Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố có 139 dự án cấp thành phố với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường trung học phổ thông, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc rà soát, tăng thêm trường lớp, nhất là ở những khu vực nội thành đông dân cư là biện pháp cấp thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp xây thêm trường lớp cũng không phù hợp vì trong nội thành không còn nhiều quỹ đất và Nhà nước không thể đáp ứng hết nhu cầu người dân muốn cho con em vào trường công lập.
Việc rà soát, tăng thêm trường lớp, nhất là ở những khu vực nội thành đông dân cư là biện pháp cấp thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp xây thêm trường lớp cũng không phù hợp vì trong nội thành không còn nhiều quỹ đất và Nhà nước không thể đáp ứng hết nhu cầu người dân muốn cho con em vào trường công lập.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Lương Thế Vinh
Để giải bài toán giảm áp lực trường công, thành phố nên thông qua việc hỗ trợ, đầu tư cho các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đồng thời thu hẹp khoảng cách về chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
"Các trường tư thục, nhất là những trường mới thành lập rất cần có sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đội ngũ giáo viên, học hỏi kinh nghiệm các trường bạn để phụ huynh tin cậy, gửi gắm con em họ vào học. Việc thành phố có chính sách hỗ trợ, đầu tư ban đầu cho hệ thống trường tư thục sẽ đem lại lợi ích lâu dài trong việc giảm tải cho các trường công lập", thầy Bình nhấn mạnh.