Giải pháp an toàn vốn khi đầu tư cho “tam nông”

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) là lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro từ dịch bệnh, thời tiết, thiên tai,... Điều này có thể dẫn tới tín dụng đầu tư cho tam nông cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên bảo hiểm Agribank tư vấn cho khách hàng.
Nhân viên bảo hiểm Agribank tư vấn cho khách hàng.

Tính đến nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm xuống ngang mức lịch sử hồi đại dịch Covid-19. Ngân hàng Agribank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới từ ngày 14/9, giảm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, ở kỳ hạn một tháng, Agribank duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 3%/năm như trước. Với kỳ hạn ba tháng, khách hàng sẽ chỉ còn nhận được lãi suất 3,5%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh gần nhất. Với kỳ hạn sáu tháng, lãi suất được hạ xuống còn 4,5%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm. Ở kỳ hạn 12 tháng, Agribank đã đưa lãi suất tiền gửi từ 5,8% xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức điều chỉnh 0,3 điểm phầm trăm... Tính chung từ đầu năm, lãi suất huy động của Agribank đã giảm từ 1,9% - 4,5%/năm các kỳ hạn.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động là cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Theo đại diện lãnh đạo Agribank, từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã bảy lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.

Bên cạnh giảm mạnh lãi suất cho vay, Agribank dành hơn 60 nghìn tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Agribank tiên phong đăng ký tham gia chương trình triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản vượt qua khó khăn, với quy mô 3.000/15.000 tỷ đồng chiếm 1/5 gói tín dụng. Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ. Không chỉ khách hàng doanh nghiệp, Agribank còn triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân.

Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác có nhiều biến động, việc bảo đảm an toàn cho các khoản vay là điều nhiều khách hàng quan tâm.

Đón trước tâm lý này, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - Bảo hiểm Agribank đã kịp thời đưa sản phẩm Bảo an tín dụng ra thị trường, nhằm san sẻ rủi ro, tạo lá chắn tài chính vững chắc cho khách hàng trong quá trình vay vốn. Hiện Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp-nông thôn-nông dân.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank, Nguyễn Tiến Hải chia sẻ, vừa qua khi cuộc “khủng hoảng niềm tin” xảy ra, nhưng đây cũng là cơ hội cho kênh ngân hàng (Bancassurance) phát triển. Tận dụng ưu thế mạng lưới, Bảo hiểm Agribank đã khai thác tiềm năng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, nỗ lực chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông… để đẩy mạnh doanh thu kinh doanh.

Theo đó, các sản phẩm của kênh Bancassurance liên kết giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank được xây dựng trên cơ sở gắn với hoạt động tín dụng, là công cụ để phân tán, chia sẻ rủi ro cho người vay thông qua các sản phẩm bảo hiểm cho tính mạng, sức khỏe người vay hay tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản thế chấp tiền vay. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua Agribank cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

“Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, Bảo hiểm Agribank ưu tiên nguồn lực để phát triển phân khúc thị trường ở khu vực nông nghiệp-nông thôn, giữ vị trí số một trong khu vực “Tam nông”, nhất là nâng cao quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững, gắn bó với hoạt động kinh doanh của hệ thống Agribank”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.