Giải ngân tín dụng cho nhà ở xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai cùng lúc ba chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Nhưng để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, thành phố cần tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện những điểm mới từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu cao tầng Jamona, Quận 7 được xem là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Khu cao tầng Jamona, Quận 7 được xem là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Nhu cầu lớn, đáp ứng có hạn

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở nói chung và nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp là khá lớn và khả năng đáp ứng nguồn cung nhà ở xã hội, cũng như quy mô dư nợ tín dụng cho hoạt động này có hạn. Song nhìn lại quá trình thực hiện cũng ghi nhận một số những kết quả. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ cho vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 108,8 tỷ đồng với 290 khách vay còn dư nợ. Kết quả này thể hiện ý nghĩa nhân văn rất lớn khi các đối tượng vay mua nhà ở xã hội đều là đối tượng nghèo, thu nhập thấp thuộc đối tượng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, khả năng trả nợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thu nhập của người dân. Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đủ điều kiện vay gói tín dụng này cũng bắt đầu được các ngân hàng thương mại giải ngân.

Cụ thể, trên cơ sở danh sách dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố (gồm có sáu dự án nhà ở xã hội) có ba dự án đã và đang vay vốn tín dụng ngân hàng. Riêng dự án nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn thành phố Thủ Đức do Công ty cổ phần Thủ Thiêm Group thực hiện đã được vay 170 tỷ đồng.

Lý giải số dự án nhà ở xã hội được giải ngân nguồn vốn vay từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn thấp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nguyên nhân là hầu hết các dự án nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý hoặc chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn theo gói tín dụng này. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố hiện có ba chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được thực hiện cùng lúc để người dân có thể tiếp cận. Đầu tiên là chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng này cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo các quy định hiện hành. Lãi suất áp dụng được Thủ tướng Chính phủ quy định và ban hành theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, người dân có thể được hỗ trợ từ chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua các Ngân hàng thương mại theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định bốn ngân hàng thương mại nhà nước tham gia cho vay, ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Việc cho vay được thực hiện theo nguồn vốn tái cấp vốn và lãi suất quy định. Cuối cùng là chính sách cho vay nhà ở xã hội thông qua triển khai thực hiện gói tín dụng ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Có bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đã đăng ký và đưa ra gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, với quy mô ban đầu là 120.000 tỷ đồng, cho vay chủ đầu tư dự án và đối tượng mua nhà ở xã hội. “Đáng chú ý, gói vay này hiện đã được nâng lên 140.000 tỷ đồng, với sự gia nhập của bốn ngân hàng thương mại tư nhân là VPBank, TPBank, MBBank và TechcomBank. Lãi suất cho vay hiện nay áp dụng đối với người mua nhà là 6,5%/năm, chủ đầu tư là 7%/năm, đã được điều chỉnh giảm mạnh khoảng 1,7% so với thời điểm bắt đầu triển khai”, ông Nguyễn Đức Lệnh thông tin thêm.

Giải pháp mở rộng, tăng cường tín dụng cho vay

Để tiếp tục thực hiện tốt, mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng: Trong ngắn hạn cần tiếp tục các chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu ưu đãi về lãi suất và thời hạn vay vốn. Những yêu cầu này phù hợp với bản chất chính sách tín dụng nhà ở, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và thu nhập của đối tượng chính sách, của người thu nhập thấp. Yếu tố cơ sở này sẽ tiếp tục là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiệu quả và bền vững. Tiếp đó, thành phố cần tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Các dự án có đầy đủ pháp lý; đủ điều kiện vay vốn hoàn toàn tiếp cận thuận lợi vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng trong gói 120.000 tỷ đồng nói riêng. Để tăng cường khả năng tiếp xúc, tiếp cận dự án, cần tiếp tục duy trì giải pháp về cung cấp thông tin; về tư vấn và về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trực tiếp, với phương thức phối hợp bốn bên: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chủ đầu tư dự án và sở, ngành liên quan để nắm bắt tình hình, giải quyết trực tiếp những khó khăn mang tính thủ tục hành chính (nếu có phát sinh).

Song song đó, cần tổ chức triển khai thực hiện những điểm mới từ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và những điểm mới từ Luật Các tổ chức tín dụng… “Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Trong đó, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tư vấn chính sách cho khách hàng khi tiếp cận với các kênh thông tin của ngân hàng; thông qua đó, đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh ■