Muốn đóng góp thêm một câu chuyện về Trường Sa
- Phóng viên: Khi đọc tác phẩm của bạn, tôi thực sự rất ngạc nhiên. Bởi viết về biển đảo, về Trường Sa báo chí cũng như văn học lâu nay đã có rất nhiều tác phẩm, đến mức nhiều người cho rằng rất khó có thể phát hiện, khai thác thêm được những điều mới mẻ. Nhưng với tác phẩm của mình, bạn đã cho thấy, sáng tạo là không có giới hạn. Bạn có thể chia sẻ về quá trình lên ý tưởng và thai nghén “Cà Nóng chu du Trường Sa” cũng như việc chọn nhân vật chính là “chàng máy ảnh” Cà Nóng?
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sinh năm 1985, Long An. Hiện công tác tại báo Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh. Là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Đã từng đoạt giải Giải thưởng Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2014, với tác phẩm “Cỏ đồi phương Đông”; giải Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh với tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa.
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Khi nhận quyết định công tác, việc đầu tiên là tôi… lên mạng tìm mua những tựa sách viết về Trường Sa, cả sách văn học lẫn sách tư liệu. Đọc để có thêm kiến thức về biển đảo, đồng thời cũng để biết các bậc cha chú, các nhà văn đi trước, các anh chị nhà báo đã viết những gì rồi. Đề tài Trường Sa trên sách báo, nói nhiều thì đúng là rất nhiều, rất hay nhưng tôi thấy vẫn còn thiếu thiếu. Và như một ý nghĩ rất tự nhiên, tôi nghĩ mình muốn đóng góp một phần nhỏ của mình vào phần còn thiếu thiếu ấy, bằng một câu chuyện về Trường Sa sau chuyến đi.
Thật ra, suốt 9 ngày lênh đênh trên biển và cho đến khi trở về, tôi vẫn không biết mình nên viết như thế nào. Mỗi ngày ngẫm nghĩ một chút, nghĩ đến… 6 tháng sau thì thấy, ừ, mình bắt tay viết được rồi.
Việc chọn máy ảnh mà không phải là nhân vật nào khác vì suốt hải trình Trường Sa, chiếc máy ảnh là vật bất ly thân và cũng là vật quý giá nhất lưu giữ giùm tôi mọi hình ảnh mà tôi muốn chụp, nhìn thấy mọi điều tôi muốn nhìn, nghe hết mọi chuyện tôi đã nghe… Nếu nhân hóa chiếc máy ảnh lên, tôi thấy “nó” cũng giống một người bạn đồng hành của mình suốt chuyến đi, im lặng nhưng thấu hiểu tất cả.
- Phóng viên: Đây là truyện dài đầu tiên của bạn viết cho thiếu nhi, vậy khó khăn lớn nhất mà bạn phải đối mặt khi viết tác phẩm này là gì?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Thật sự là “Cà Nóng chu du Trường Sa” làm khó tôi nhất ở việc tìm ý tưởng và phương thức thể hiện. Còn khi đã tìm ra, việc ngồi vào bàn viết và hoàn thành tác phẩm chỉ là vấn đề thời gian.
Có lẽ không riêng Cà Nóng, mà đối với tất cả những tác phẩm khác, ở thể loại nào, tôi cũng đều nghĩ kỹ trước khi viết và sắp xếp cảm xúc, câu chuyện, chắt lọc chi tiết, mọi thứ được làm việc gọi vui là “đâu ra đó” ở trong đầu.
Có nhiều lúc, tôi nghĩ về tác phẩm sắp viết của mình nhiều đến mức… thuộc lòng, cứ như thể là mình đã đọc câu chuyện ở đâu luôn rồi (cười). Tôi cũng không biết gọi đó là gì, nhưng điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều cả trong công việc thường ngày lẫn viết lách.
Cà Nóng chu du Trường Sa là truyện dài đầu tay cho thiếu nhi, nhưng không giống như tác phẩm đầu tay, đây là tác phẩm tôi viết khi tự thấy mình đã bước qua một ngưỡng khác của tuổi tác, của suy nghĩ và của cả văn chương. Tôi biết viết cho trẻ con là một thử thách với mình, nhưng khi viết Cà Nóng, từng ngày từng ngày qua, tôi lại thấy, chơi với trẻ con trên trang sách sao mà dễ thương, ngọt ngào quá đỗi.
- Phóng viên: Kinh nghiệm của người làm báo liệu có giúp gì nhiều cho bạn trong việc thực hiện cuốn sách đặc biệt này?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi nghĩ người làm báo luôn có sự quan sát tốt, tư duy tổng hợp, nhạy bén và nắm bắt sự việc, hiện tượng rất nhanh. Đặc biệt là luôn chú ý ghi chép, lưu giữ lại tư liệu, hình ảnh cần thiết. Thời gian đoàn công tác lên thăm mỗi điểm đảo và nhà giàn không nhiều, có khi phải vội trở lại tàu cho kịp thủy triều, tôi biết mình cũng chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi để nhìn ngắm, tìm hiểu, ghi nhận thông tin nhiều nhất có thể; cũng như cố gắng lắng nghe, ghi nhớ nhiều nhất những điều được chia sẻ, nhìn thấy từ Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Tôi cảm nhận và biết chi tiết nào cần cho báo chí và chi tiết nào cần cho văn chương. Đầu óc tự khắc “phân loại” và sau mỗi ngày trở về tàu thì mở máy tính ra ghi lại như một dạng nhật ký hải trình. Nhờ vậy mà khi bắt tay vào bản thảo, tôi có sẵn nguồn “tư liệu ký ức” của mình.
Bình yên khi ngồi xuống cùng trang viết
- Phóng viên: Tôi ấn tượng với chia sẻ của bạn rằng người viết bên cạnh việc trả lời câu hỏi viết cho ai, viết như thế nào còn cần trả lời câu hỏi nữa đó là “Khi ngồi bên bản thảo, lòng bạn có thật sự bình yên?”. Tại sao hai chữ “bình yên” được bạn chú trọng như vậy?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Bình yên khi ngồi xuống cùng trang viết của mình là một cảm giác rất tĩnh lặng và thanh khiết. Cảm giác ấy cho tôi sống sâu hơn với văn chương, phóng chiếu tầm mắt mình vào một chiều kích rộng lớn hơn và có thể nghĩ về những điều lớn lao hơn. Phải bình yên với trang viết là lựa chọn của tôi khi cảm thấy mình đã qua một tuổi trẻ hay hoài niệm, hay nghĩ ngợi và cũng đã viết rất nhiều những gì mà tuổi trẻ muốn viết. Sự nghiệp văn chương của một người cầm bút từ khi còn rất trẻ, có lẽ cũng giống như cuộc đời của con người, vốn dĩ là một quá trình khám phá, trải nghiệm rồi trưởng thành, nhận diện và tự hoàn thiện.
Bình yên khi viết sách cho trẻ nhỏ đối với tôi lại càng cần thiết. Nếu không, tôi sợ những “hỗn độn” bên trong tâm tư mình ảnh hưởng đến trang viết của mình. Thế giới trẻ thơ trong vắt, không thể để lẫn vào ấy những cảm xúc tiêu cực của người lớn. Đối với Cà Nóng, tôi không viết những khi thấy mệt, thấy buồn, hay đang phải lo lắng ưu phiền vì điều gì. Tôi học cách giữ cho mình một vùng đất tĩnh lặng trong tâm hồn để cân bằng, để thanh lọc và từ đó nhìn thấy rõ nhất những điều mình muốn làm sẽ cho ta có một điểm tựa vô hình, một sức mạnh tinh thần lớn lao và cứ thế từ đó bước đi. Và đã gieo được một vùng đất như vậy, nơi mà, những cái cây của ý tưởng và ước vọng, tình yêu và niềm tin dành cho con người, cho cuộc đời và đất trời này cứ mãi đâm chồi, xanh biếc.
- Phóng viên:“Cà Nóng chu du Trường Sa” liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng trong năm 2021 (giải Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, giải Mai Vàng 2021 dành cho hạng mục Tác phẩm văn hóa - nghệ thuật xuất sắc). Tôi tin sẽ còn những bất ngờ dành cho cuốn sách này ở phía trước. Ngoài niềm vui về thành công mà cuốn sách đã đạt được, điều bạn suy nghĩ lúc này là gì?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Tôi nghĩ về Trường Sa - nơi Cà Nóng vẫn chưa thể trở về. Cuối tháng 6/2021, “Cà Nóng chu du Trường Sa” được phát hành, tôi chuẩn bị quà sách dự định gửi thầy Nguyễn Hữu Phú (thầy giáo ở đảo Song Tử Tây và là nhân vật xuất hiện cuối tác phẩm, khi ấy, thầy đang nghỉ hè tại Khánh Hòa), nhưng rồi khu vực tôi sinh sống bị phong tỏa, còn thầy Phú phải vào vùng 4 cách ly để chuẩn bị trở lại đảo. Món quà tôi dự định tặng thầy cũng như gửi tặng các chiến sĩ, nhân dân và các em thiếu nhi ở đảo Song Tử Tây vẫn còn ở lại.
Khi gửi sách về tàu KN290 - con tàu đã đưa tôi đi Trường Sa - tặng các chiến sĩ, hỏi thăm các anh thì được biết vẫn chưa có lịch đi ra đảo. Điều tôi mong muốn ngay từ lúc sách được phát hành đến giờ, vẫn là có thể cho Cà Nóng, Ni, So, Meica và bác Tê Lê (những nhân vật trong cuốn sách - PV) lên chuyến tàu sớm nhất ra các đảo và nhà giàn. Trong tác phẩm tôi có viết tâm sự của Cà Nóng, rằng nó được sinh ra trong nhà máy, “không có cha mẹ, không có quê hương”. Tôi trao cho nó một “cố hương”, chính là vùng biển, vùng trời nơi đầu sóng. Cà Nóng ra Trường Sa trong hình hài của một cuốn sách, không phải là chu du nữa, mà là được về biển, về nhà…
- Phóng viên: Hành trình 9 ngày ra với Trường Sa đã được bạn ghi dấu ấn tượng bằng một cuốn sách văn học giàu cảm xúc. Liệu còn điều gì bạn vẫn còn thấy tiếc nuối sau khi chuyến đi kết thúc?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Điều tiếc nuối nhất là Cà Nóng đã không được đến đảo Nam Yết-nơi duy nhất ở Trường Sa có trồng dừa. Tôi đã đọc nhiều bài báo về Nam Yết cũng như hành trình đưa dừa từ đất liền ra trồng ở đảo của các chiến sĩ, nay Nam Yết đã xanh mát bóng dừa. Lịch sử hòn đảo cũng có rất nhiều chuyện hay, ý nghĩa khác nữa. Trong bản thảo “Cà Nóng chu du Trường Sa” tôi từng có viết một chương về đảo Nam Yết. Nhưng cuối cùng quyết định bỏ ra. Hải trình của Cà Nóng và câu chuyện cùng nhóm bạn là hư cấu, nhưng Trường Sa là thật. Cho dù đã đọc rất nhiều tư liệu tôi cũng không dám viết về những gì tôi chưa tận mắt nhìn thấy, cảm nhận nơi đảo xa. Nhưng mà, như nhân vật Meica có nói trong tác phẩm, những gì mình chưa làm được trọn vẹn, rồi sẽ có người khác làm tiếp, làm thay mình (cười).
- Phóng viên: Độc giả, đặc biệt là những người trẻ lâu nay vẫn “thuộc” Tiểu Quyên với những trang văn đầy suy tư, trải nghiệm về cuộc sống. Sự thay đổi của Tiểu Quyên ở mảng đề tài mới cho thấy “trữ lượng” của bạn còn rất dồi dào. Tiểu Quyên có ý định sẽ đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn để viết cho thiếu nhi hay không?
- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Không hiểu sao tôi có một lịch trình rõ ràng với văn chương như thể… lịch công tác dài hạn của mình vậy. Giờ tôi không để mình viết nhiều như xưa, thay vào đó là dành thời gian ngẫm nghĩ nhiều hơn về điều mình tâm đắc, muốn viết, đọc thêm nhiều sách, học hỏi nhiều hơn, chia sẻ với tác phẩm của bạn bè thế hệ mình, nhìn ngắm cuộc sống… Rồi đến một lúc, cảm thấy đúng thời điểm mình cần thực hiện kế hoạch của mình, là sẽ bắt tay thực hiện. Có một câu chuyện cho văn học thiếu nhi tôi nghĩ về trước đề tài Trường Sa, nhưng rồi đã dành cho Cà Nóng quyền ưu tiên. Còn các nhân vật trong câu chuyện kia vẫn đang vui vẻ chờ, tôi không thấy “chúng” buồn hay thúc giục gì. Có lẽ “chúng” cũng như tác giả, hiểu rằng mọi việc không thể sớm hơn hay muộn hơn, mà vẫn là cần đúng thời điểm của nó (cười).
Kết quả Giải Mai Vàng lần thứ 27-2021
1. Giải thưởng "Tác phẩm Văn hóa - Nghệ thuật xuất sắc":
- Bộ tranh "Sài Gòn những ngày giãn cách" - họa sĩ Lê Sa Long.
- Truyện thiếu nhi "Cà Nóng chu du Trường Sa" - tác giả Bùi Tiểu Quyên.
2. Giải thưởng "Nghệ sĩ vì cộng đồng":
- MC Quyền Linh.
- Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh.
- Đội Tình nguyện viên nghệ sĩ - Nhà Văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh.
3. Giải thưởng "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng":
- NSND Kim Cương.
4. Giải thưởng "Chương trình, tác phẩm Văn hóa - Nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng chống dịch Covid -19":
- MV "Sống như tia nắng mặt trời" - Đình Bảo và nhiều nghệ sĩ.
- Tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong chương trình "Mang âm nhạc đến các bệnh viện dã chiến" phục vụ đội ngũ y - bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch và bệnh nhân Covid-19.
- Chương trình truyền hình "HTV từ tâm dịch" - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.