Giải mã những chiến công của lực lượng cơ yếu

Trong các cuộc chiến tranh, mật mã đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể quyết định thắng lợi hay thất bại. Chính vì vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng ta chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã từ Trung ương đến địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ. (Ảnh: BAN CYCP)
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ. (Ảnh: BAN CYCP)

Bài 1: Từ mật lệnh lập nên những chiến công

Trong chặng đường gần 80 năm hình thành và phát triển, ngành cơ yếu Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc. Thế nhưng, cũng chính vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của ngành cơ yếu dường như cũng được “mã hóa”.

Mệnh lệnh chiến trường

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta có chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã. Ngày 12/9/1945, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành cơ yếu Việt Nam, được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

Trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Ban Mật mã là phải: Bảo đảm thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy được thông suốt, bí mật, nhanh chóng, chính xác, kịp thời để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Và trong một lần tới thăm Lớp đào tạo cán bộ mật mã Lê Lai tại rừng Bản Cọ (Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), nói chuyện với cán bộ, học viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết”. Tư tưởng chỉ đạo của Người đối với hoạt động mật mã đến nay vẫn là phương châm, nguyên tắc hoạt động của toàn ngành cơ yếu Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới Thu-Đông và Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào năm 1953;...

Đặc biệt là, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng cơ yếu (khi đó chủ yếu là Phòng Cơ yếu Văn phòng Trung ương Đảng và Phòng Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu) đã bảo đảm truyền đưa các bức điện mật giữa Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch với các đơn vị chiến đấu tại mặt trận và với Liên khu 5, Trung Lào, Hạ Lào, Nam Bộ…

Trong không gian được sắp xếp, bố trí rất trang trọng, khoa học của Bảo tàng ngành cơ yếu Việt Nam, đồng chí Ngô Văn Anh, cán bộ Phòng Tuyên huấn và Thi đua, khen thưởng Ban Cơ yếu Chính phủ giới thiệu cho chúng tôi về điện mật lệnh tổng công kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tối 6/5/1954 của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Lực lượng cơ yếu đã sử dụng kỹ thuật mật mã để mã hóa và truyền đi bức điện với nội dung:

“1. Thời gian quy định đúng 8 giờ 30, không được chậm(1).

2. Đến 8 giờ rưỡi thì:

a/ Đồi A1 bộc phá.

b/ Pháo và H6(2) bắn tập kích lần thứ nhất.

c/ Bộ binh các hướng đều xung phong.

d/ Hàng Cung(3) lập tức chế áp pháo địch.

3. Các nơi phải lấy giờ cho đúng.

8 giờ 15.

Ngọc(4).”

(1) - 8 giờ 30; (2) - H6 là mật danh của hỏa tiễn 6 nòng do Trung Quốc viện trợ; (3) - Tên địa danh Hồng Cúm; (4) - Ngọc là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây là mệnh lệnh tổng công kích đợt cuối quyết định thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để ngay ngày hôm sau, vào lúc 19 giờ ngày 7/5/1954, trực tiếp đồng chí Nguyễn Hữu Thuận, Tổ trưởng Cơ yếu, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mã hóa và chuyển bức điện của Tư lệnh Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: “17 giờ 30 phút ngày 07 tháng 5, ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng”.

Cùng với mật lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi còn được giới thiệu một số bức điện mật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, trong đó có điện mật đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điện mật đi của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” hay điện mật đến của Trung tướng Lê Trọng Tấn về việc quân ta đã vào Sài Gòn chiếm lĩnh Dinh Độc Lập...

Đáng chú ý, cuốn Thư vào Nam do Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 1985 được trưng bày tại Bảo tàng Cơ yếu chính là tập hợp thư và một số điện mật được gửi vào chiến trường miền nam. Đây được coi là tập sử liệu nói lên tầm quan trọng của ngành cơ yếu trong việc bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khẳng định về vai trò của ngành cơ yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tại Hội nghị Cơ yếu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội tháng 6/1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: Trong mấy chục năm qua, chúng ta đánh giặc, chúng ta nắm được và biết chắc được là những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta đều không bị lộ, các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi... Ngành cơ yếu là một ngành rất quan trọng, phải đưa ngành tiến lên hiện đại nhưng hàng ngũ phải thật trong sạch, chế độ công tác phải rất chặt chẽ.

Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm cho biết thêm: Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, lực lượng cơ yếu sử dụng kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã, thực hiện chế độ công tác nghiêm ngặt, không ngại khó khăn, gian khổ, trực bảo đảm 24/24 giờ trong ngày, mã hóa/giải mã kịp thời, chính xác hàng triệu bức điện từ cấp độ mật đến tuyệt mật. Và không một chiến dịch nào, một trận đánh lớn nào không có sự phục vụ của một đội quân thầm lặng (cơ yếu) để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp chiến đấu.

Những hy sinh thầm lặng

Tại Hội nghị Cơ yếu toàn quân lần thứ 9 ngày 25/3/1952 tại Việt Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát biểu: Các đồng chí làm công tác mật mã là những chiến sĩ vô danh, hữu xạ tự nhiên hương. Các đồng chí phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp, của Đảng, vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn ngành cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sĩ hy sinh, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay kẻ thù như: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chuẩn úy Nguyễn Văn Giai, Tổ trưởng Cơ yếu V4/49, Tình báo Miền hy sinh ngày 26/12/1968; liệt sĩ Hồ Minh Khẩn, cơ yếu tình báo công tác tại vùng địch hậu bị sa vào tay địch nhưng không hề cung khai bí mật và anh dũng hy sinh năm 1966; hay chín cán bộ, chiến sĩ cơ yếu Quân khu Sài Gòn-Gia Định hy sinh trong một trận đánh bom của địch tại ấp An Thành, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng trong năm 1966...

“Sự hy sinh” cũng là cụm từ được Phó Cục trưởng Chính trị-Tổ chức Khúc Hữu Mạnh nhắc đến nhiều trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đồng chí Mạnh chia sẻ: Sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành cơ yếu không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình. Mỗi cán bộ, nhân viên cơ yếu luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu, kể cả khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Hay trong câu chuyện xúc động của một người phụ nữ 63 tuổi khi bà tìm kiếm giấy tờ về người mẹ đã mất mới phát hiện ra mẹ từng tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi, vào Đảng lúc 16 tuổi, từng là Trung đội phó Phòng Mật mã Bộ Tổng Tư lệnh, cán bộ Phòng Cơ mật Bộ Tư lệnh Việt Bắc... “Những người lính cơ yếu phải giữ bí mật tuyệt đối ngay cả với chính người thân của mình. Ngoài bản lĩnh, sự kiên trung với Tổ quốc thì chúng tôi luôn phải tuân thủ quy tắc bí mật nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ”, Trưởng phòng Tuyên huấn và Thi đua, khen thưởng Lê Hồng Huy nhấn mạnh.

Giới thiệu thêm về những bản in chữ chì và chữ nhựa, những kỷ vật của ngành cơ yếu, một cán bộ tuyên huấn còn kể với chúng tôi những mất mát, hy sinh thật sự xót xa: Trước đây, nhiều đồng chí nữ làm công việc in mật mã không có khả năng làm mẹ do nhiễm chì bởi tiếp xúc với các bản in chữ chì rất độc hại. Sau này, bản in bằng chữ chì được thay thế bằng bản in chữ nhựa, vừa giảm độc hại vừa giải phóng sức lao động nhưng đó là một hành trình dài trước khi ngành cơ yếu từng bước làm chủ kỹ thuật, công nghệ mật mã hiện đại như hiện nay.

Tại hội nghị làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ ngày 25/3 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng yêu cầu Ban cần tập trung chuyển đổi số, nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý kỹ thuật nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia... Ban Cơ yếu cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật an toàn thông tin, duy trì nghiêm kỷ luật, quy chế làm việc...

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu bảo đảm thông suốt, bí mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nỗ lực tập trung nguồn lực, tự chủ, nghiên cứu, sản xuất và trang bị gần 10.000 hệ thống máy mã chuyên dụng cho 3.400 tổ chức cơ yếu các cấp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.

(Còn nữa)