Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong số 20 quốc gia có số người dùng internet nhiều nhất thế giới. Theo báo cáo từ tổ chức We are Social và Công ty Quản lý phương tiện truyền thông xã hội Hootsuite, tính đến tháng 1/2021, tổng số người dùng internet ở Việt Nam đạt hơn 68 triệu (chiếm khoảng 70% dân số), tăng 550 nghìn người so cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, lượng người dùng mạng xã hội lên tới 72 triệu, tăng 7 triệu so cùng kỳ năm 2020. Ðáng chú ý, phần lớn "cư dân mạng" có độ tuổi từ 18-34. Thống kê của Viện Nghiên cứu Thanh niên (trực thuộc Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh) tháng 3 vừa qua cũng cho thấy, 98% thanh niên Việt Nam hiện có tham gia mạng xã hội.
Mạng xã hội là kênh thông tin có sức ảnh hưởng rất lớn, thậm chí được đông đảo bạn trẻ coi như "không gian sống" không thể thiếu. Thế nhưng, đây còn là môi trường ảnh hưởng phức tạp đến tư tưởng, tâm lý, lối sống, cách hành xử của thanh niên, nhất là qua những nội dung lệch lạc, đồi trụy, kích động, bạo lực... Ðáng ngại hơn, những nội dung nêu trên có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, thậm chí có ý đồ trục lợi, gây hoang mang, làm khuynh đảo xã hội, nhưng lại được một bộ phận không nhỏ bạn trẻ sẵn sàng hưởng ứng, chia sẻ, phát tán mà không cần biết nguồn gốc, thật giả. Ðiển hình như vụ việc một thiếu niên mới 16 tuổi thực hiện hành vi tấn công trang chủ của Báo điện tử Ðài Tiếng nói Việt Nam không chỉ một lần vào giữa tháng 11 vừa qua.
Không gian mạng là thành tựu của loài người trong kỷ nguyên số. Vì vậy, cần chủ động tiếp cận, phát triển, tận dụng mọi ưu thế tích cực, ưu việt của không gian mạng đồng thời với việc nhận diện, hạn chế, phòng chống mặt trái của thông tin xấu. Tránh để chậm trễ trong nhận thức, hành động, dễ gây những hậu quả bất lợi, khó lường. Nhiều năm qua, tổ chức Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chương trình, đề án và nhóm giải pháp nhằm cụ thể hóa công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc này còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế so với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành với gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức Ðoàn, Hội, Ðội trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng trên không gian mạng cho thanh thiếu nhi còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, thậm chí có nơi chỉ mang tính hình thức.
Ðến thời điểm hiện tại, vẫn thiếu một chiến lược rõ ràng nhằm xây dựng môi trường mạng xã hội tích cực để giáo dục thanh thiếu nhi. Việc nắm bắt những trào lưu mới trong giới trẻ trên mạng xã hội hầu hết còn chậm, không theo kịp và càng chưa thể đón đầu xu hướng. Công tác tuyên truyền trên không gian mạng còn manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vắng bóng các sản phẩm hiện đại, phù hợp, đủ hấp dẫn giới trẻ. Ngay cả kinh phí duy trì, triển khai các kênh thông tin, sản phẩm hiện đại trên không gian mạng để tuyên truyền, định hướng và quan trọng nhất là bảo vệ thanh thiếu nhi cũng quá hạn chế.
Thời gian tới, không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, tác động mạnh mẽ lên xã hội về mọi mặt. Trong đó, không loại trừ những hành vi bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lôi kéo, kích động, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nội bộ; tuyên truyền, cổ vũ những loại hình văn hóa giải trí độc hại, lối sống thực dụng, "sống ảo", "cuồng" thần tượng… Từ đây, đặt ra yêu cầu về một giải pháp tổng thể, căn cơ, tập trung tận dụng lợi thế, tiện ích của không gian mạng, phù hợp, dễ tiếp cận mọi đối tượng thanh thiếu nhi ở cả trong và ngoài nước.
Giải pháp nêu trên cần vạch ra lộ trình chi tiết để phổ biến rộng rãi Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong giới trẻ; kế hoạch định kỳ về cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng cho cán bộ làm công tác thanh thiếu nhi; xây dựng, kết nối các kênh thông tin trên mạng xã hội từ cấp xã, phường, thị trấn đến các trường học, công sở... thành một mặt trận rộng lớn để tập hợp, tương tác, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng; triển khai hiệu quả, tăng cường các hoạt động dành cho đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội ■
LINH PHAN