Giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Cùng hướng tới mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong quan hệ Ðối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Nhật Bản duy trì là đối tác thương mại, du lịch, đầu tư, tài trợ phát triển và hợp tác lao động hàng đầu của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi gặp gỡ, giao lưu trà đạo do Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. (Ảnh TTXVN)
Buổi gặp gỡ, giao lưu trà đạo do Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. (Ảnh TTXVN)

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, vượt qua nhiều biến động của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương và cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Ðối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cùng với đó, các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo các cấp giữa hai nước là minh chứng cho sự tin cậy cao trong quan hệ song phương.

Theo các thống kê mới đây, Nhật Bản hiện có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ ba trong số 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản cùng đạt hơn 5 tỷ USD.

Nhật Bản đồng thời là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam với hơn 27 tỷ USD vốn vay, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam. Ðó là những thành quả quan trọng, góp phần gắn kết quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam. Các chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản nổi bật là chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO) hay với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM Japan).

Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người, đồng thời, trong năm 2022, Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu, tiếp nhận nhiều nhân lực Việt Nam nhất với hơn 67.000 người. Việt Nam đang cung cấp nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề cao, các kỹ sư công nghệ thông tin, hay triển khai chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh đất nước Mặt trời mọc còn thiếu nhiều lao động điều dưỡng và hộ lý. Cùng với hợp tác lao động, đào tạo, các chương trình giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng sâu rộng đã góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Năm 2023 đánh dấu mốc son quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các cơ chế đối thoại, tăng cường giao lưu và tiếp xúc các cấp, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại hai nước trong năm nay, như triển khai dự án Trường đại học Việt-Nhật, tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ đa phương. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò, đóng góp ngày càng tích cực ở khu vực và trên thế giới, trong đó có vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 và Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2023.

Mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng với tiến trình phát triển của mỗi nước và hợp tác song phương cũng còn nhiều dư địa để khai thác, nổi bật là trong xây dựng hạ tầng chiến lược, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…