Tuy nhiên, một số người dân vẫn chưa hiểu rõ về cụm từ "biển số định danh" và các quy định liên quan tới việc cấp, thu hồi, đăng ký biển số định danh. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh xe máy, ô-tô, "biển số đẹp"... cho hay, họ đang bị "ế ẩm" sau khi quy định về biển số định danh có hiệu lực.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), luật không cho phép mua, bán biển số xe dưới mọi hình thức; đồng thời, chủ xe không được bán xe kèm theo biển số định danh, trừ trường hợp đó là biển số ô-tô trúng đấu giá.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Biển số định danh là một khái niệm mới, đã thay đổi nguyên tắc đăng ký, quản lý xe từ "biển số theo xe" sang "biển số theo người" (người ở đây được hiểu bao gồm là tổ chức hoặc cá nhân chủ xe). Trước đây, khi bán xe thì biển số và đăng ký xe được chuyển cho người mua xe, nay khi bán xe (xe chính chủ, xe có biển 5 số), biển số được thu hồi để cấp lại cho chủ xe khi đăng ký xe mới trong thời hạn 5 năm kể từ ngày thu hồi, còn người mua xe được cấp một biển số khác.
Nếu quản lý biển số xe theo tên chủ xe thì sẽ dễ bị trùng lẫn, bởi có thể có hàng trăm người trùng tên là Nguyễn Văn A... cho nên phải bổ sung quy định biển số được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, vì mã định danh của mỗi tổ chức, cá nhân là chính xác, đơn nhất, không bị trùng lặp.
Như vậy, nếu quản lý biển số xe theo tên chủ xe thì sẽ dễ bị trùng lẫn, bởi có thể có hàng trăm người trùng tên là Nguyễn Văn A... cho nên phải bổ sung quy định biển số được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, vì mã định danh của mỗi tổ chức, cá nhân là chính xác, đơn nhất, không bị trùng lặp. Do vậy, biển số gắn với mã định danh nên được gọi là biển số định danh. Mã định danh của chủ xe được xác định: đối với cá nhân là người Việt Nam sẽ là số định danh cá nhân, đối với tổ chức là mã định danh điện tử hoặc mã số thuế của tổ chức, đối với người nước ngoài sẽ là số định danh của người đó hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú...
Việc quy định biển số định danh sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho chủ xe. Trước đây, khi "biển theo xe" sau khi mua, bán xe xong, người bán sẽ không biết được người mua có làm thủ tục đăng ký, sang tên theo quy định của pháp luật hay không. Do đó, các thông báo vi phạm hay vụ việc xảy ra trong quá trình sử dụng xe vẫn liên quan chủ cũ. Sau khi quy định về biển số định danh có hiệu lực, khi bán xe, chủ xe phải làm các thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe và sẽ được giữ lại số của biển số để đăng ký cho xe khác.
Có thể thấy, cấp biển số định danh là những bước đi để tiến tới việc cấp đăng ký xe điện tử, tạo thuận lợi cho việc tích hợp với ứng dụng định danh điện tử VNeID, giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí đi lại mà vẫn đáp ứng quyền lợi và nghĩa vụ người dân khi tham gia giao thông. Việc cấp biển số định danh, quản lý theo mã định danh của chủ xe sẽ giúp cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý nhanh chóng, thuận lợi, hoạch định chính sách giảm thiểu nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian, giảm bớt chi phí lưu trữ, góp phần thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số quốc gia.
Thông tư 24 quy định, khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe; đồng thời, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 5 năm kể từ ngày thu hồi. Nếu quá thời hạn mà người dân không sử dụng số của biển số đó, cơ quan chức năng thu hồi, chuyển vào kho số chung để cấp cho người khác.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, hiện nay, cơ quan chức năng chưa giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Trường hợp người dân có phương tiện mới, nếu biển số định danh cũ đang được đăng ký cho một xe thuộc quyền sở hữu của mình, người dân đó vẫn được cấp thêm một biển số định danh khác.