Còn lúng túng những ngày đầu triển khai
Ngày 1/7/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 24/2023/TT-BCA (có hiệu lực từ 15/8/2023) quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Trong đó, đáng chú ý nhất, tác động nhiều nhất đến người dân là quy định về biển số xe định danh. Tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư quy định: “Biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, mầu biển số theo quy định tại Thông tư này”.
Như vậy, kể từ ngày 15/8/2023, biển số xe định danh sẽ được cấp và gắn liền với mỗi cá nhân/tổ chức; khác với quy định trước đây là biển số xe gắn liền với xe.
Thông tư 24 quy định, từ ngày 15/8, các xe đăng ký mới sẽ được cấp biển 5 số theo mã định danh của từng người. Đối với những chủ sở hữu mua xe đã qua sử dụng nhưng chưa sang tên, biển số sẽ mặc định thuộc quyền sở hữu của chủ cũ; theo đó, chủ mới và chủ cũ của xe phải đến cơ quan công an để làm thủ tục đăng ký lại biển số, từ biển số theo xe thành biển số theo người sở hữu xe.
Từ nay trở đi, khi bán xe thì cá nhân/tổ chức phải giữ lại biển số và nộp lại cho cơ quan công an để công an làm thủ tục thu hồi, lưu kho. Biển số này sẽ được cấp lại khi cá nhân/ tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Sau 5 năm nếu chủ sở hữu không sử dụng thì biển số định danh sẽ được sung vào kho biển số để cấp cho người khác.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu áp dụng quy định mới (15/8), tại nhiều nơi, việc triển khai còn khá lúng túng do quá tải, do người dân chưa nắm được quy định, quy định mới cũng nảy sinh hạn chế khiến dân thắc mắc…
Sáng 15/8, tại Cơ sở đăng ký xe số 2 - Đội đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội) ở 1234 đường Láng, quận Đống Đa (Hà Nội), nhiều người dân xếp hàng để “sang tên đổi biển” cho ô-tô, xe máy.
Anh T.T.B (ở quận Tây Hồ) cho biết, mấy năm trước anh mua lại chiếc ô-tô Madaz 4 chỗ của người chú ruột do chú về hưu, không còn nhu cầu sử dụng. Do chưa chuyển quyền sở hữu nên nhân có quy định mới, hôm nay anh đi làm thủ tục sang tên để không bị phạt hành chính và sau này nếu mua xe ô-tô khác thì được giữ lại biển số đang sử dụng.
Còn anh P.Đ.L và anh N.Đ.H (ở quận Cầu Giấy) thì có mặt ở đây để làm thủ tục trả biển xe về cho chủ cũ. Năm ngoái, anh L đã bán chiếc xe Vios cũ cho anh H nhưng chưa chuyển quyền sở hữu; theo quy định mới, họ phải làm thủ tục trả biển chiếc xe Vios cho anh L, và anh H phải đăng ký biển mới để sử dụng.
“Tôi thấy hơi mất thời gian và phiền phức nhưng về cơ bản, quy định này là văn minh, giúp cơ quan quản lý dễ quản lý phương tiện còn chủ xe cũng thuận tiện sau này nên tôi ủng hộ”, anh H nói.
Trong khi đó, anh L cho biết, quy định mới cũng còn một số điểm chưa chặt chẽ, thí dụ biển số định danh chỉ cấp cho các xe cùng chủng loại nên cũng khá bất tiện. “Thí dụ, những người bán xe tải sau đó mua xe con thì không được cấp lại biển định danh cũ, điều này cũng tương tự như khi bán xe máy và mua lại xe không cùng dung tích xi-lanh”, anh L nêu quan điểm.
Ngoài ra, quá đông người đến làm thủ tục đăng ký xe, mua bán xe khiến nhiều người phải xếp hàng từ sáng đến chiều mới được cung cấp dịch vụ, cổng đăng ký trực tuyến có lúc bị nghẽn mạng… Tình trạng này cũng xảy ra tại một số địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Trao đổi ý kiến với phóng viên, Trung tá Tạ Quang Minh, Tổ trưởng Cơ sở đăng ký xe số 2 cho biết, khoảng hai tuần gần đây, lượng người dân đến làm thủ tục sang tên đổi chủ cho xe tăng dần lên; đặc biệt 3-4 ngày gần đây số lượng người tăng đột biến khoảng 6-7 lần. “Việc này khiến các cơ sở đăng ký xe bị quá tải. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn cố gắng phục vụ người dân đến làm thủ tục hết mức có thể, không để ai không làm được thủ tục nếu hồ sơ đầy đủ”, anh Minh nói.
Trung tá Minh cũng cho biết thêm, quá trình thực hiện đã xuất hiện một số trường hợp chủ phương tiện không thể định danh được do quy định mới cần chủ xe cũ có mặt để hoàn tất các thủ tục. Các trường hợp trên đều được cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn cặn kẽ về cách thức xử lý vấn đề để thủ tục sớm hoàn thành.
Người dân chờ làm thủ tục đăng ký xe máy tại cơ quan công an ngày 16/8. Ảnh: PHẠM ĐẮC |
Chờ văn bản hướng dẫn để triển khai thuận lợi hơn
Do nhiều người dân chưa nắm được quy định mới, hiện có một số thắc mắc phổ biến là: “Từ ngày 15/8, người có xe không chính chủ sẽ gặp vấn đề gì khi đi làm đăng ký?”, “Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu dừng xe và phạt lỗi này hay không?”, “Nếu chủ xe không chính chủ không còn giấy tờ mua bán xe thì xử lý thế nào?”, “Trường hợp chủ xe đang sử dụng xe mang biển 3 và 4 số có được tham gia giao thông không?”...
Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 39 của Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định: Đối với xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành (15/8/2023) mà chưa làm thủ tục thu hồi thì số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe.
Đối với xe đã đăng ký biển 5 số, nếu chủ xe đã làm thủ tục thu hồi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì số biển số đó được chuyển vào kho biển số để cấp biển số theo quy định.
Đối với xe đã đăng ký biển 3 hoặc 4 số thì tiếp tục được phép tham gia giao thông, trừ trường hợp chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh.
Trao đổi ý kiến với phóng viên, TS Cao Vũ Minh, chuyên gia pháp lý, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ sở hữu phải làm thủ tục thu hồi biển số. Nếu quá hạn, chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính. Đối với xe máy, mức phạt trong khoảng từ 800.000 đến 2.000.000 đồng. Còn chủ ô-tô có thể phải đóng phạt lên tới 4.000.000 đồng. Mức phạt sẽ cao hơn gấp đôi nếu bên sở hữu ô-tô là các tổ chức.
“Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra theo quy định của pháp luật nhưng không có quyền xử phạt những xe có biển 3-4 số chưa chuyển sang định danh. Họ chỉ có quyền xử phạt các trường hợp bán xe có biển 5 số mà không giữ biển và báo cho cơ quan công an làm thủ tục thu hồi”, TS Cao Vũ Minh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, việc cấp biển số định danh là phù hợp xu thế chuyển đổi số và là sự thay đổi biện pháp quản lý trong thời kỳ công nghệ ngày càng phát triển, là tiền đề quan trọng tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Tuy nhiên, theo ông Minh, Thông tư 24 hiện còn một vài điểm chưa chặt chẽ như: Trường hợp cá nhân/tổ chức bán đồng thời từ hai xe trở lên và chỉ mua lại một xe thì cá nhân/tổ chức có được lựa chọn giữa các biển số theo ý muốn của bản thân hay biển số sẽ được cấp theo thứ tự thu hồi và lưu giữ?
Các xe đang sử dụng biển 3 hoặc 4 số thì không có yêu cầu bắt buộc phải cấp đổi biển số định danh, nhưng phần lớn số xe này đã cũ, được dùng chở hàng hóa cồng kềnh… là đối tượng có nguy cơ cao gây vi phạm thì chưa được quản lý.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ người dân phải chịu trách nhiệm với những xe có biển số định danh của họ. Vì vậy, nếu ô-tô sử dụng biển số giả rồi gây tai nạn giao thông thì cơ quan chức năng sẽ tìm tới chủ biển số gắn trên xe đầu tiên. Điều này gây phiền phức và gánh nặng cho người dân.
Để khắc phục, TS Cao Vũ Minh cho rằng, Bộ Công an cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc người dân được lựa chọn giữ biển số xe (trong trường hợp bán nhiều xe nhưng mua lại ít xe hơn) hay là biển số được lựa chọn theo nguyên tắc nào. Đối với biển 3-4 số như trên thì có giải pháp gì quản lý hay chỉ dựa vào biện pháp tuyên truyền?
“Đối với thủ tục xử phạt xe vi phạm, gây tai nạn thì cần phải chụp biển số và cấu thành xe đó. Sau khi xác minh chính chủ của biển số đó có xe khác hoàn toàn thì cơ quan quản lý tự xác minh, không mời chính chủ lên để tránh làm phiền họ”, vị chuyên gia kiến nghị.