Hiện tại Việt Nam đang sử dụng hai loại vắc-xin được dùng cho nhóm trẻ từ năm cho đến dưới 12 tuổi. Vắc-xin của Pfizer dùng được cho trẻ từ năm tuổi cho đến dưới 12 tuổi với liều 10 mcg (0,2 ml); trong khi đó vắc-xin của Moderna lại có liều 50 mcg (0,5 ml).
Nhiều phụ huynh băn khoăn, liệu 10 mcg có ít không hay 50 mcg có nhiều không? Trước hết, mỗi hãng sản xuất sẽ có cái quy trình nghiên cứu khác nhau để đánh giá hiệu lực của vắc-xin của họ và mỗi hãng sẽ có những công thức khác nhau để sản xuất ra vắc-xin chứ không phải cứ công nghệ mRNA là giống hệt nhau. Vì vậy, với vắc-xin của Moderna thì 50 mcg là đủ để sinh miễn dịch và hiện tại đang áp dụng cho nhóm từ sáu tuổi trở lên trong khi Pfizer thì lại cho phép dùng cho độ tuổi nhỏ hơn.
Kết quả chứng minh trên thực địa cho thấy, vắc-xin của Moderna cho hiệu quả bảo vệ cao hơn với lượng kháng thể sinh ra cũng được duy trì trong thời gian lâu hơn, trong khi vắc-xin của Pfizer thì hiệu quả bảo vệ giảm đi sớm hơn và đã có đề xuất phải dùng thêm mũi tăng cường.
Tuy vậy, cả hai vắc-xin đều bảo đảm dự phòng thể nặng và tử vong cũng như giảm nguy cơ hậu Covid. Chính vì thế tại Việt Nam, vắc-xin của Moderna sẽ được sử dụng cho nhóm trẻ lớn hơn trong khi vắc-xin của Pfizer sẽ tập trung vào nhóm trẻ năm và sáu tuổi để giảm hao phí và bảo đảm các vấn đề về an toàn tiêm chủng.
Một vấn đề khác cũng được khá nhiều phụ huynh quan tâm là cân nặng của trẻ có ảnh hưởng đến vấn đề tiếp nhận vắc-xin hay không? Có bà mẹ nói, con của mình tuy đã năm tuổi nhưng không khác gì một em bé bốn tuổi, nếu tiêm vắc-xin liệu có an toàn hay không? Một số mẹ khác lại nói, con mình có cân nặng như trẻ 14-15 tuổi thì tiêm lượng vắc-xin trẻ nhỏ có hiệu quả?
Chúng ta cần biết rằng hệ miễn dịch của người phát triển theo tuổi chứ không ảnh hưởng nhiều bởi cân nặng hay chiều cao. Điều này có nghĩa, phải đến một độ tuổi nhất định thì hệ miễn dịch mới hoàn thiện và đáp ứng miễn dịch ở mỗi độ tuổi là tương đương nhau mặc dù thể chất có thể khác nhau.
Vì vậy, các hãng dược phẩm khi thử nghiệm lâm sàng cũng đánh giá trên nhiều trẻ với khối lượng khác nhau thì không có khác biệt nhiều về đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, trẻ càng có thể chất yếu hay béo phì lại càng cần phải bảo vệ với vắc-xin. Với trẻ béo quá cũng không cần thiết phải sử dụng lượng vắc-xin nhiều hơn do cơ thể vẫn tạo ra lượng miễn dịch đủ để bảo vệ trước vi-rút.
Một số phụ huynh băn khoăn việc con mình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xong thì có ảnh hưởng gì đến việc tiêm các vắc-xin khác hoặc nếu đang sử dụng một số thuốc điều trị thì có cần phải dừng thuốc hay không? Về mặt bản chất, vắc-xin và đặc tính miễn dịch cho thấy việc sử dụng đồng thời vắc-xin phòng Covid-19 với các vắc-xin khác bao gồm cả vắc-xin bất hoạt và vắc-xin sống giảm độc lực sẽ không làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của từng loại vắc-xin.
Ngoài ra, vắc-xin phòng Covid-19 đang được tiêm theo hình thức chiến dịch, vì vậy ngày tiêm thường là không liên quan đến ngày tiêm các vắc-xin thông thường. Trong phần lớn các trường hợp, chuyên gia về tiêm chủng sẽ khuyến cáo lùi khoảng hai tuần để tránh các vấn đề trùng hợp nếu có. Ngoài ra, vắc-xin phòng Covid-19 không tương tác với các vắc-xin thông thường nên hoàn toàn có thể tiêm được.
Người đã mắc Covid-19, có cần tiêm vắc-xin nữa hay không? Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người không tiêm một mũi vắc-xin nào mà mắc Covid-19 thường rất nặng. Trường hợp không bị bệnh nặng thì sau đó miễn dịch để lại thường là yếu, dễ mắc chủng khác hoặc tái nhiễm cùng chủng, đó là chưa nói đến các vấn đề hậu Covid. Người đã tiêm vắc-xin và nhiễm tự nhiên hoặc người nhiễm tự nhiên sau đó được bổ sung vắc-xin, sẽ có miễn dịch mạnh hơn cũng như giảm nguy cơ hậu Covid.
Vì vậy, người lớn hay trẻ em, nếu nhiễm mà chưa tiêm vắc-xin thì sau đó vẫn cần tiêm chủng. Tuy nhiên, để tránh trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên không đáng có, hiện Bộ Y tế yêu cầu trì hoãn ba tháng rồi mới tiêm vắc-xin đối với trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi. Điều này không có nghĩa là trẻ an toàn 100% sau khi đã khỏi mà chỉ có nghĩa, hãy chờ đủ ba tháng sau khi khỏi bệnh để được tiêm vắc-xin.
Các nhóm vận động phản đối vắc-xin vẫn liên tục đưa ra các lý do sau tiêm vắc-xin là có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển, dậy thì hay tích hợp và bộ gen của người. Nhưng điều này không đúng. Bởi công nghệ sản xuất vắc-xin là đưa một đoạn mã di truyền vào trong cơ thể chỉ nhằm mục đích giúp cơ thể tạo ra kháng nguyên của vi-rút. Đoạn mã này không tích hợp vào hệ gen của người mà chỉ di chuyển đến bộ phận sản xuất protein là các Ribosome bên ngoài nhân tế bào, từ đó tạo ra kháng nguyên và kích thích sinh kháng thể.
Sau 7 đến 14 ngày từ khi tiêm vắc-xin, toàn bộ lượng vật liệu di chuyển này sẽ biến mất hoàn toàn và cơ thể có miễn dịch phòng chống vi-rút. Thực tế là chỉ có vi-rút mới tích hợp với gen của người và tạo ra các tái tổ hợp hay biến chủng. Người không tiêm vắc-xin, khi nhiễm vi-rút hoàn toàn không thể kiểm soát số lượng bản copy của vi-rút. Vì thế, những tổn thương mà vi-rút gây ra là rất lớn. Đã có rất nhiều người tiêm vắc-xin và vắc-xin đã chứng tỏ được giá trị bảo vệ của nó.