Chị Trần Thị Thu Huyền, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Tân Tạo, quận Bình Tân. Do số lượng học sinh đông nên nhà trường không đủ điều kiện bố trí cho học sinh học bán trú tất cả các ngày trong tuần. “Hiện con tôi đang học bảy buổi một tuần, có hai ngày học bán trú, còn những ngày khác chỉ học một buổi nên rất bất tiện trong việc đưa đón cháu đi học. Ða số phụ huynh ở đây là công nhân nên không có thời gian đưa đón các cháu. Rất mong nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các cháu được học bán trú”.
Những năm qua, quận Bình Tân là một trong những địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ðiều này kéo theo tỷ lệ tăng dân số cơ học tại địa phương này hàng năm tăng cao. Năm học 2022-2023, Bình Tân tăng hơn 9.000 học sinh mới, chủ yếu ở bậc mầm non và trung học cơ sở. Dù vẫn nỗ lực bảo đảm đủ chỗ học, nhưng khó khăn hiện nay của quận là không bảo đảm được việc dạy 2 buổi/ngày.
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Bình Tân, do dân số tăng cơ học cao nên số lượng học sinh ở quận Bình Tân hằng năm cũng tăng lên nhiều. Rất khó triển khai cho tất cả học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 3, học sinh khối 6 và 7 học bán trú 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện, học sinh tiểu học ở Bình Tân được học 2 buổi/ngày là khoảng 40%, học sinh trung học cơ sở học 2 buổi/ngày là khoảng 20%.
Năm học 2022-2023, số học sinh trên địa bàn thành phố tăng 21.825 học sinh ở các cấp học so với năm học 2021-2022. Trong đó, bậc mầm non tăng 6.587 học sinh; bậc trung học cơ sở tăng 13.661 học sinh; bậc trung học phổ thông tăng 12.761 học sinh. Riêng bậc tiểu học giảm 11.184 học sinh (hệ công lập giảm 12.332 học sinh, ngoài công lập tăng 1.148). Mặc dù vậy, ngành giáo dục thành phố vẫn nỗ lực xây dựng trường lớp để bảo đảm 100% con em trên địa bàn có chỗ học.
Ðến nay, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã, thành phố Thủ Ðức và 21 quận, huyện với quy mô ngày một tăng. Hệ thống trường lớp phát triển mạnh từ nội thành đến ngoại thành, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng, quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, góp phần đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ðến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở thành phố đối với tiểu học là 74,1%, đối với trung học cơ sở là 63,2%, đối với trung học phổ thông là 95,3%.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Qua các đợt khảo sát thực tế, có những địa phương do tăng dân số cơ học cao nên tạo áp lực trường lớp rất lớn như Quận 12, quận Tân Phú, dẫn đến tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt chưa tới 30%. Khi nghe ngành giáo dục trao đổi là mặc dù chưa bảo đảm 2 buổi/ngày nhưng số tiết học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn bảo đảm. Nhưng như thế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục là giảm tải tối đa chương trình học.
Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu đồng bộ cơ sở vật chất ở một số trường cũng dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiều trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, thiết bị dạy học theo chương trình đổi mới giáo dục. Việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên triển khai chậm dẫn đến nhiều trường thiếu giáo viên ở các môn tiếng Anh, tin học, nghệ thuật. Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ðể tháo gỡ khó khăn này, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã chủ động chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên ở một số bộ môn mới. Đồng thời thực hiện những khóa bồi dưỡng tăng thêm cho giáo viên trong suốt quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Ðào tạo cũng làm việc với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để có lộ trình bổ sung giáo viên bộ môn, kết hợp với Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh về các cơ chế tuyển dụng để có thể từng bước tuyển đủ giáo viên...