Mới đây, Nguyễn Nhật Minh (học sinh trường THPT Chuyên Sư phạm) đã xuất sắc nhận được thư trúng tuyển từ 6 trường đại học tại Mỹ: Centre College (học bổng 38.600 USD/năm), Rhodes College (42.000 USD/năm), Lawrence University (45.500 USD/năm), The College of Wooster (48.000 USD/năm), Gettysburg College (61.000 USD/năm), và Franklin & Marshall College (58.400 USD/năm).
Nguyễn Nhật Minh đã xuất sắc giành được học bổng từ 6 trường Đại học tại Mỹ. |
Và giữa các lời mời trúng tuyển, suất học bổng tương ứng 5,6 tỷ cho 4 năm học ngành kinh tế tại Franklin & Marshall College được Nhật Minh lựa chọn làm hành trang chinh phục ước mơ tại nước Mỹ.
Áp lực của “giấc mơ muộn”
Dù đã ấp ủ ước mơ về nước Mỹ từ 5 tuổi nhưng mãi tận cuối năm lớp 11, Minh mới quyết định sang Mỹ học đại học. Quyết định này đã khiến cậu chỉ có vỏn vẹn 5 tháng để chuẩn bị hồ sơ.
Đối với Minh, trở ngại lớn nhất mà em phải đối mặt là hồ sơ học thuật không quá nổi trội so với những người bạn cùng mục tiêu, khi mà cả điểm SAT (bài thi kiểm tra khả năng học thuật) và IELTS (hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế) đều chỉ nằm ở mức trung bình.
Trên thực tế, để có thể theo đuổi giấc mơ du học, các bạn học sinh thường phải có kế hoạch chuẩn bị trước từ 2 - 3 năm. |
Trong thời gian này, các bạn sẽ tham gia vào các hoạt động ôn luyện kiến thức, xây dựng nền tảng cho các hoạt động xã hội của mình. Như vậy, 5 tháng của Nhật Minh dường như chẳng đủ để cải thiện nhiều điều.
Ban đầu, em bị choáng ngợp với các đầu việc phải làm và nhiều lúc “hụt hơi” khi phải hoàn thiện bài luận chỉ trong 1,5 tháng. Trong suốt quá trình làm hồ sơ và ứng tuyển, Minh cũng đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất là trượt toàn bộ các nguyện vọng ở Mỹ. “Thời gian đó, em đều thức rất muộn đến khoảng 2 - 3 giờ sáng để có thể kịp làm bài luận. Áp lực về thời gian càng khiến em bí ý tưởng”.
Kỷ niệm về sự ngỗ nghịch với bà nội là chìa khóa thành công
Tại một nền giáo dục “mở” như Mỹ, yêu cầu của những bài sát hạch cũng “mở” không kém. Những đề bài thường rất chung chung và yêu cầu người làm phải động não, tìm kiếm rất nhiều.
Khó khăn trong vấn đề "giải quyết" bài luận. |
Mặc dù vậy, nhưng ý tưởng xa vời, không thực tế lại cũng không được đánh giá cao. Vậy, đề tài gì vừa có thể giúp em thể hiện bản thân mình mà lại thực tế, không khiên cưỡng? Cuối cùng, Nhật Minh đã tìm ra "chìa khóa" trong chính ngôi nhà của mình, đó là bà nội.
Được biết, từ nhỏ Nhật Minh đã có niềm đam mê với văn hóa nước ngoài trong khi bà nội lại là một người luôn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều đó khiến Minh luôn cảm thấy có khoảng cách thế hệ với bà, thậm chí trở nên bướng bỉnh và ngỗ nghịch.
Từ những cơn đau bệnh của bà, cậu trai nghịch ngợm mới nhìn lại bản thân mình |
Từ những cơn đau bệnh của bà, cậu trai nghịch ngợm mới nhìn lại bản thân mình. Từ đó, mối kết nối của em với bà nội trở nên lớn hơn, giúp Minh không chỉ nhìn cuộc sống theo cách của bản thân mà còn lắng nghe bà và hiểu hơn những suy nghĩ của thế hệ đi trước.
Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà bà gìn giữ dần thấm vào cái nhìn của Minh. Đây cũng chính là động lực để em thực hiện các dự án và tham gia hoạt động ngoại khóa liên quan đến văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhật Minh (bên trái) tham gia múa rối nước dành cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: NVCC) |
Nam sinh Chuyên Sư phạm thành lập câu lạc bộ về múa rối nước, tổ chức chương trình múa rối nước cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở quận Long Biên.
Bên cạnh đó, những chuyến đi đến Mộc Châu, Sơn La, những buổi giao lưu văn hóa với người dân tộc Dao Tiền và trải nghiệm cách làm vải chàm sáp ong cũng là một cột mốc đáng nhớ của Minh.
Trải nghiệm làm vải chàm sáp ong cùng người Dao Tiền của Nhật Minh (thứ ba từ phải sang) và các bạn. (Ảnh: NVCC) |
Dù quá trình chuẩn bị hồ sơ du học còn nhiều thiếu sót nhưng cuối cùng kết quả đã đền đáp cho sự nỗ lực của Nhật Minh. Hành trình 5 tháng đã khiến cậu học được nhiều điều bổ ích và từ đó thấy mình trưởng thành hơn.
Và giấc mơ mà Minh mong nhất, không chỉ một mà là sáu bức thư trúng tuyển, với học bổng toàn phần từ các trường đại học tại Mỹ đã đến tay em.
Từ “không” thành “có”
Bản thân Nhật Minh cũng biết rằng mình có nhiều điểm "không ổn", và điều đó chính là sự ngáng trở lớn nhất với mọi mong muốn của bản thân em.
Bản thân Nhật Minh cũng biết rằng mình có nhiều điểm "không ổn". |
Từ những ngày đầu khi biết về giấc mơ du học của Minh, bố mẹ em lo lắng có, suy nghĩ cũng có. Nhưng hết thảy, mọi người đã luôn ở bên ủng hộ, chia sẻ và hỗ trợ để con trai có được góc nhìn toàn diện của việc sinh sống và học tập tại một đất nước mới.
Đối với Nhật Minh, mẹ luôn là người quan tâm và lắng nghe em trong tất cả mọi chuyện, đồng thời giúp em đưa ra nhiều hướng giải quyết vấn đề.
“Nếu gặp khó khăn trong khoảng thời gian sống xa nhà, mẹ sẽ luôn là người mà em muốn gọi về đầu tiên. Đây cũng là nguồn động lực lớn để em cố gắng khi sang Mỹ” - Nhật Minh tâm sự.
Vậy là câu chuyện về tâm lý đã sẵn sàng, vấn đề về vật chất, Minh đã tự mình giải quyết được. Sau rất nhiều những khoảnh khắc nản lòng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang đến cho Minh kết quả như ngày hôm nay.
Và hy vọng, các bạn trẻ đều có thể theo đuổi giấc mơ một cách nhiệt huyết và đạt được thành công như Nhật Minh đã đạt chạm được vào giấc mơ của mình.