PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Phóng viên: Ông nhận định thế nào về đợt lên giá xăng dầu rất “sốc” này?
PGS, TS Trần Đình Thiên: Thế giới đã không ít lần trải qua những đợt tăng giá xăng dầu “sốc” rồi. Lần này là một trong số đó, do tốc độ và quy mô tăng đều rất dữ dội. Tuy nhiên cú “sốc” này có những điểm khác thường nổi bật, cần phải được mổ xẻ kỹ và nhận diện chính xác. Khi đó, mới có thể có cách ứng phó phù hợp. Có mấy điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, xăng dầu tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bất ổn: chuỗi cung ứng chưa phục hồi, giá cả thế giới cho nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu, đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Cả thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, cũng đang đối diện với nguy cơ lạm phát ít thấy trong nhiều thập niên. Đặt cú sốc giá xăng dầu-sản phẩm có tầm chiến lược quan trọng bậc nhất-vào bối cảnh đó mới thấy hết tính chất nghiêm trọng của tình thế “cộng hưởng” tăng giá lần này. Phải tính rất kỹ đến giá xăng dầu, nhưng chỉ tính đến nó khi bàn triển vọng, nguy cơ, để hoạch định chính sách ứng phó là không đủ, thậm chí sai. Không hề thừa khi ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe cảnh báo chuyên gia về một triển vọng “stagflation” (đình trệ lạm phát) có thể xảy ra trong nền kinh tế thế giới trong năm nay.
Thứ hai, xăng dầu tăng giá khi nền kinh tế thế giới mới bắt đầu quá trình phục hồi sau hai năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Cấu trúc vận hành thương mại-tiền tệ đang suy yếu nhiều mặt; tình trạng đứt chuỗi và nguy cơ đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn hiện hữu và gia tăng; tình trạng sức khỏe tài chính-tiền tệ toàn cầu, sự lưu thông của các dòng tiền, dòng vốn bị đứt, bị chặn, gắn với cuộc xung đột Nga-Ukraina chưa rõ hồi kết, tình trạng ốm yếu của các thị trường và các doanh nghiệp…
Thứ ba, xăng dầu tăng giá trong tình thế xung đột chiến lược khó lường trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là “dính” đến tất cả các cường quốc kinh tế-quân sự hàng đầu. Xăng dầu nói riêng, hay xu thế lạm phát nói chung phải đặt trong bối cảnh đó, để chú ý đến đầy đủ các tuyến nguy cơ, xu hướng có thể diễn ra, tránh xu thế chỉ lo tìm kiếm các giải pháp ứng phó tình thế, theo cách “đến đâu hay đến đấy”.
Phóng viên: Đối với Việt Nam, còn phải lưu ý thêm những điều gì, thưa ông?
PGS, TS Trần Đình Thiên: Việt Nam là nền kinh tế mở, độ hội nhập rất sâu rộng. Cho nên phải nhấn mạnh đến những vấn đề toàn cầu, nhất là khi đó là những cú sốc chiến lược. Ngoài những lý do khách quan, cơ bản ngoài tầm chi phối nêu trên, còn có những lý do riêng tác động vào xu thế tăng giá và can thiệp điều chỉnh giá xăng dầu. Báo chí đã nói nhiều về tình trạng cung ứng xăng dầu không đáp ứng nhu cầu vừa qua, là một nguyên nhân gây bất ổn thị trường và tăng giá, bắt nguồn từ chính cấu trúc và cơ chế vận hành hệ thống.
Vấn đề Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được bàn luận mổ xẻ nhiều trong thời gian qua. Chính phủ, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn đưa ra nhiều vấn đề liên quan lâu nay chưa được tường minh. Có thể nói, Chính phủ và các bộ, ngành, trực tiếp đóng vai trò chủ công là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực rất cao và xử lý tốt vấn đề. Kinh nghiệm điều hành vĩ mô, “kiềm chế” giá và giữ ổn định hệ thống trong những năm qua đang được Chính phủ phát huy thật sự hiệu quả. Tất nhiên, giữa một tình thế khó khăn, đầy sự bất thường và tính cấp bách, khó mà tránh khỏi sơ suất.
Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn, đặc biệt là về vai trò của Bộ Công Thương - cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp vận hành và điều hành hệ thống cung ứng xăng dầu?
PGS, TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương phải đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt, phức tạp, không chỉ có vấn đề xăng dầu. Việc tháo gỡ tắc nghẽn hàng nghìn xe container qua biên giới trong suốt nhiều tháng là một thí dụ. Đặt trong tình thế đó để phân tích, đánh giá hoạt động của Bộ Công Thương trên “mặt trận” xăng dầu sẽ khách quan, công bằng hơn. Theo cách nhìn như vậy, đánh giá tổng quát của tôi là tích cực; tác động điều hành đến nền kinh tế là đáng khích lệ.
Bản thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (16/3) cũng khẳng định sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm, không né khó, khả năng làm chủ vấn đề và sự tự tin. Khó mà nói đã làm hài lòng tất cả, song các câu trả lời của Bộ trưởng đã giúp cung cấp thông tin hệ thống, rõ ràng và khách quan. Tất cả những cái đó thực sự có ý nghĩa khi chúng giúp thị trường củng cố lòng tin giữa lúc khó khăn.
Tôi cho rằng dưới sự chỉ đạo thống nhất và rất kiên quyết của Chính phủ, Bộ Công Thương đang đề xuất thực thi nhiều giải pháp - từ sản xuất đến lưu thông, từ cung ứng hàng đến điều chỉnh giá - tiền một cách khá linh hoạt, trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước - một sự phối hợp được ghi nhận là đang tốt lên rõ rệt. Tôi tin là với kinh nghiệm và năng lực điều hành vĩ mô của Chính phủ, với sự phối hợp hoạt động điều hành chính sách liên bộ như vậy, nền kinh tế của ta sẽ “trụ vững”, qua đó, có thời cơ để phục hồi nhanh.
Phóng viên: Ông còn có điều gì băn khoăn không?
PGS, TS Trần Đình Thiên: Lo lắng còn nhiều. Lo ngại cũng lắm. Tình thế này không ai yên lòng được cả. Bóng ma “stagflation” là thứ không thể chủ quan được đâu, nhất là lúc doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam còn yếu và thế giới còn bất ổn thế này. Tuy nhiên, nói như thế không phải để bi quan mà là để cảnh báo, để không chủ quan.
Mọi chính sách của Nhà nước, của Chính phủ, hoạt động của các bộ, ngành phải định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn nữa. Dường như ta vẫn lo cho “an toàn ngân sách”, lo “ổn bộ máy” hơn là cho việc bảo vệ, củng cố các cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu nhưng lại khao khát phục hồi nhanh để chớp thời cơ tiến vượt lên. Giúp doanh nghiệp Việt Nam “trụ vững”, mạnh lên là lợi ích chiến lược ưu tiên hàng đầu trong lúc này. Theo logic đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần và có thể mạnh dạn hơn trong nỗ lực giữ giá xăng dầu thấp hoặc cố gắng làm chậm đà tăng giá. “Phí môi trường”, quỹ bình ổn giá… là những công cụ hữu dụng trong lúc này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!