Như đã phân tích tại bài trước sau khi mô hình giao dịch trong vùng giá (Inside bar) của giá vàng thế giới bị phá vỡ theo chiều hướng tăng, ngày 21-7 đã ghi nhận phiên tăng đột biến của giá vàng thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-7, giá vàng thế giới đã tăng 24,30 USD/ozt (+1,34%) lên mức 1.841,79 USD/ozt. Trong phiên đầu giờ sáng 22-7 giá vàng thế giới đã lập đỉnh mới tại 1.847,69 USD/oz.
Theo phân tích kỹ thuật của mô hình tỷ lệ Fibonacci, dự kiến đà tăng của giá vàng có khả năng lên đến 1.860 USD/ozt trước khi xác định tiếp xu hướng mới.
Tính đến 6 giờ 45 phút, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.843,27 USD/ozt. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra (23.280 đồng/USD) của Vietcombank, chưa tính thuế và phí vận chuyển, giá vàng thế giới hiện tương đương 51,74 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21-7, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng cùng thương hiệu ở mức 51,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 51,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 450 nghìn đồng/lượng
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 51,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 51,70 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 500 nghìn đồng/lượng.
Cho thấy biên độ mua bán được các doanh nghiệp kinh doanh trong nước đang dãn rộng để đề phòng rủi ro khi giá vàng tăng đột biến.
Tại Ngân hàng Vietcombank, tính đến 7 giờ ngày 22-7, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 23.070 đồng (mua vào), và 23.280 đồng (bán ra), không đổi so với ngày 21-7.