Giá trị xuất khẩu hàng thủ công của Lào đạt gần 9 triệu USD

NDO - Theo số liệu của Cục Công nghiệp và Thủ Công nghiệp (Bộ Công thương Lào), giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Lào trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 9 triệu USD, đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng dệt lụa thủ công được bày bán ở chợ đêm Luang Prabang. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)
Hàng dệt lụa thủ công được bày bán ở chợ đêm Luang Prabang. (Ảnh: TRỊNH DŨNG)

Qua hơn 14 năm thực hiện, Luật nghề thủ công của Lào đã tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển các ngành nghề sản xuất thủ công. Các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này ngày càng được mở rộng và tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.

Tính đến năm 2021, cả nước Lào có tổng 11.728 nhà máy và xưởng sản xuất thủ công, có 8 trung tâm xúc tiến nghề thủ công với tổng số lao động là 22.925 người. Giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Lào trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8.898.145 USD, nổi bật là các sản phẩm như: đồ nội thất, sản phẩm mây tre đan, sản phẩm từ vải, lụa…

Ông Buavanh Vilavong, Cục trưởng Cục Công nghiệp và Thủ Công nghiệp (Bộ Công thương Lào) cho biết, nghề thủ công là một nghề gắn liền trong sinh hoạt và đời sống của người dân các dân tộc Lào từ xưa đến nay. Trước đây, các mặt hàng thủ công được sản xuất chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Qua thời gian, hàng thủ công của Lào hiện đã trở thành các sản phẩm thương mại và tạo ra thu nhập cho các hộ sản xuất, đồng thời cũng để phát triển kinh tế địa phương.

Bằng việc xác định nghề thủ công là một ngành nghề ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến và thủ công giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Lào hiện đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất và phát triển thị trường.

Trong thời gian vừa qua, Cục Công nghiệp và Thủ công nghiệp đã phối hợp các bên liên quan tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, hội thảo… để thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện kết nối, xúc tiến thương mại và quảng bá các mặt hàng thủ công gắn với phát triển du lịch, xây dựng chuỗi sản xuất bền vững và giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch.

Theo ông Buavanh, để hàng thủ công Lào có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế, thời gian tới các cơ sở sản xuất kinh doanh cần chú trọng tới việc nâng cao kỹ năng tay nghề, đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần tăng cường tổ chức các khóa tập huấn cho các hộ kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường mới, thí dụ như kinh doanh trực tuyến hiện đang là xu thế phát triển.