Gia tăng các vụ án tham nhũng, kinh tế và buôn lậu ở Đắk Lắk

NDO - Chiều 20/7, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên địa bàn gia tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt giữ các bị can để làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong việc móc nối nhận tiền của các chủ phương tiện để làm thủ tục đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận cải tạo an toàn kỹ thuật sai quy định cho các phương tiện không bảo đảm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt giữ các bị can để làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong việc móc nối nhận tiền của các chủ phương tiện để làm thủ tục đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận cải tạo an toàn kỹ thuật sai quy định cho các phương tiện không bảo đảm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát.

Nổi lên là hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, nhất là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng hóa, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; kinh doanh vàng không giấy phép trong dịp Tết Nguyên đán; phạm tội, vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông đường bộ có tính hệ thống, trong thời gian dài gây bức xúc dư luận.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ (Cảnh sát kinh tế) Công an tỉnh Đắk Lắk chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt công tác.

Trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm về tham nhũng, xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên đặt lên hàng đầu, luôn được Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã chủ động đẩy mạnh các mặt công tác. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố, điều tra 8 vụ, với 22 bị can về tham nhũng, tăng 4 vụ, 22 bị can so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý, thông qua triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 3 vụ, với 17 bị can để làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong việc móc nối nhận tiền của các chủ phương tiện để làm thủ tục đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận cải tạo an toàn kỹ thuật sai quy định cho các phương tiện không bảo đảm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế cải tạo xe cơ giới Đắk Lắk và Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết kế cải tạo xe cơ giới Gia Phạm. Hiện các vụ việc đang được điều tra mở rộng để xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật.

Cùng với đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Số vụ vi phạm pháp luật liên quan hàng cấm phát hiện tuy có giảm, nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh đã khởi tố 15 vụ, với 27 bị can, tăng 6 vụ, 16 bị can so cùng kỳ; thu giữ 618kg pháo nổ, 10.297 bao thuốc lá điếu ngoại, trong đó có vụ việc phát hiện, bắt giữ đường dây vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu từ Quảng Trị về Đắk Lắk tiêu thụ, bắt giữ 7 đối tượng, thu 8.780 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.

Đối với các ngành nghề kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm, hàng may mặc, Công an tỉnh cũng đã phát hiện 3 vụ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số lượng lớn, thu giữ hơn 3 tấn hàng hóa, 1 vụ vận chuyển 1.063 đơn vị hàng hóa gồm nhiều mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm thời trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 1 vụ với 2 đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thu trên 1,3 tấn cà-phê bột, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 2 bị can liên quan vụ việc.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng là thời gian diễn ra mùa khô tại các tỉnh Tây Nguyên. Đây là thời gian cao điểm xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.

Đặc biệt, trong ngày “Vía thần tài” năm 2023, Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh vàng bạc, phát hiện 5 cơ sở có vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, kinh doanh vàng, trong đó trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột 3 vụ và trên địa bàn huyện Ea H’leo 2 vụ nên đã tiến hành lập biên bản, tổ chức xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng là thời gian diễn ra mùa khô tại các tỉnh Tây Nguyên. Đây là thời gian cao điểm xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.

Với quyết tâm kiềm giảm tội phạm và tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép như: M’Đrắk, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp, Ea Kar… nhất là các địa bàn dân cư gần các khu vực cửa rừng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có truyền thống sống dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng; tổ chức ra quân truy quét các nhóm “lâm tặc”, chốt chặn, kiểm soát tốt các lối ra vào khu vực cửa rừng.

Qua đó, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 122 vụ, tăng 10 vụ so cùng kỳ 2022, nhưng đa số có tính chất nhỏ lẻ, mức độ thiệt hại không đáng kể; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy cơ bản được kiềm giảm.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát kinh tế toàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý 404 vụ, 399 đối tượng, 6 tổ chức vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, tăng 20% so cùng kỳ năm 2022; trị giá tang vật vi phạm ước tính khoảng 10 tỷ đồng; đã xác minh xử lý 380 vụ, 384 đối tượng, 6 tổ chức, trong đó khởi tố 35 vụ án, với 67 bị can; xử lý hành chính 232 vụ, với 237 đối tượng, 2 tổ chức với tổng số tiền 1,55 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền 109 vụ, 73 đối tượng, 4 tổ chức; đưa vào hệ thống tin báo để xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự 4 vụ, với 7 đối tượng.

Với những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo lãnh đạo Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.