Gia tăng biến chứng vì làm đẹp

NDO -

Tiêm filler, làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ không uy tín, chưa được cấp phép hành nghề, kỹ thuật viên chưa được đào tạo bài bản khiến chị em có thể rơi vào tình trạng tắc mạch não, co giật, liệt chân, liệt tay, hôn mê vì biến chứng bất ngờ.

Bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt sau khi xử lý biến chứng do tiêm filler.
Bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt sau khi xử lý biến chứng do tiêm filler.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, khoa vừa tiếp nhận cấp cứu cho nữ bệnh nhân (47 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi.

Trước đó, ngày 2/4, bệnh nhân đã tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật…, mắt trái không nhìn thấy gì nữa. Nhân viên y tế dừng ngay và tiêm thuốc giải cho bệnh nhân, nhưng không cải thiện.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới bệnh viện huyện, rồi về Bệnh viện Hà Đông, sau đó chuyển khẩn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau 3,5 tiếng.

Theo bác sĩ Hà, đây là một cấp cứu nghiêm trọng, bệnh nhân mất thị lực toàn bộ mắt trái, tím tái toàn bộ vùng mũi và trán, mắt nề sung huyết, đồng tử giãn và có dấu hiệu đau đầu, cơn co giật… rất nặng nề. 

"Các dấu hiệu của bệnh nhân gợi ý tình trạng tắc mạch cấp tính cấp máu cho da vùng mũi trán và vùng não… Theo đó, hướng điều trị đòi hỏi phải xử lý nhanh, chính xác, nhằm giải quyết tình trạng tắc mạch ở động mạch mắt và làm không tổn thương thêm về mắt và não", bác sĩ Hà cho biết. 

Với trường hợp cấp cứu này, các phương pháp tiêm thuốc giải dưới da khó tiếp cận phần tắc mạch, không hiệu quả, nên các bác sĩ tại đây đã đưa trực tiếp xông từ động mạch đùi lên não, tìm động mạch mắt bị tắc, tiêm trực tiếp vào chỗ tắc. Theo đó, tiêm phối hợp vừa thuốc giải và thuốc tan huyết khối.

Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, chụp phim CT vùng não để đánh giá tổn thương. Đồng thời, bệnh nhân được thở ô-xy, dùng thuốc giảm áp suất trong mắt, não; cho sử dụng 2 loại kháng sinh liều cao phối hợp phòng nhiễm trùng, thuốc giãn mạch tại chỗ…

Sau đánh giá chuyên khoa, loại trừ tắc mạch, rối loạn đông máu… bệnh nhân được đưa vào can thiệp mạch.

Đến nay, sau can thiệp bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được thi thoảng có cơn đau đầu, da vùng trán đã dần hồi phục, mắt bớt phù nề, sụp mi chưa cải thiện, không tiến triển hoại tử cơ hậu nhãn cầu… Bệnh nhân giữ được mắt và thị lực có phần cải thiện, bắt đầu cảm nhận có ánh sáng. 

Theo bác sĩ Hà, hệ lụy của việc tiêm filler không chuẩn xác, ngoài gây mù mắt, các mạch máu cấp cho các cơ quanh mắt cũng gây liệt, sụp mi, tím đen dọc vùng trán, mũi, nếu không được can thiệp sẽ gây hoại tử vùng da, các cơ xung quanh…. Thậm chí phải khoét mắt, lắp mắt giả.

Chuyên gia này cho biết thêm, thời gian gần đây, tuần nào cũng gặp các ca tai biến do làm thẩm mỹ. Ngoài hệ lụy tiêm filler ở cơ sở không được phép, còn có tai biến về phẫu thuật nhiễm trùng sau mổ, chảy máu của phẫu thuật nâng ngực, nâng mông cũng nhiều. Hầu hết bệnh nhân đều tiêm ở cơ sở spa, tiệm quen biết và phần lớn các cơ sở này không được Bộ Y tế cấp phép.

Ngoài việc người thực hiện thủ thuật chưa được đào tạo bài bản, chưa được cấp phép thì việc sử dụng các sản phẩm filler không bảo đảm chất lượng, thậm chí, cả thuốc giải cũng giả, rất nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân phải tới cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức vì tắc mạch não, co giật, liệt chân, liệt tay, hôn mê sau khi làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ không uy tín. 

Theo khuyến cáo của bác sĩ Hà, việc tiêm filler cần phải được thực hiện bởi người có kiến thức về giải phẫu, cơ, mạch máu thần kinh trên mặt, tại cơ sở y tế được cấp phép.