Giá nông sản tăng cao hơn 50% so với cùng kỳ

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng cây sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh CÔNG LÝ
Trồng cây sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh CÔNG LÝ

Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Điểm đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như: gạo 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà-phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.

Nguyên nhân của tăng trưởng một phần nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, nhất là đối với mặt hàng gạo và cà-phê. Tuy nhiên, yếu tố góp phần không nhỏ vào giá xuất khẩu cao của nhiều mặt hàng chính là chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.

Cụ thể như mặt hàng gạo, hiện nay, giá xuất khẩu trung bình các loại gạo thơm của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) ở mức 800 USD đến hơn 1.000 USD/tấn.

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này phần nào khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Hay đối với mặt hàng cà-phê, giá xuất khẩu cao là do ngành cà-phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà-phê Robusta tiếp tục duy trì ở mức cao vì thiếu hụt nguồn cung và xu thế tiêu dùng mới trên thế giới. Mặt khác, thời gian qua, ngành cà-phê Việt Nam đã chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là từng bước triển khai việc đáp ứng Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU.

Một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà-phê đã triển khai chương trình “dấu chân carbon”; chương trình thử nghiệm mô hình không phát thải carbon trong sản xuất cà-phê để phân tích lượng phát thải thực tế, từ đó có những điều chỉnh thích hợp về việc sử dụng nước, năng lượng, vật tư nông nghiệp, quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp… nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những yếu tố giúp ngành cà-phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá bán vào thị trường EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới thời gian tới.

Từ lâu, Việt Nam đã là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng giá trị kim ngạch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành nghề, không chạy theo số lượng mà tập trung tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy chế biến sâu trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, hướng tới tăng trưởng xanh.

Chính vì vậy, nhiều thị trường nhập khẩu đã quan tâm hơn, ưa chuộng hơn và sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho nông sản Việt Nam. Điều đó không chỉ làm tăng kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng hơn đã tác động trực tiếp, sâu sắc đến tư duy sản xuất của nông dân, tư duy kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp - gốc rễ bền vững cho tiến trình hình thành nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch và trách nhiệm.