Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh hơn 20% lên mức 7.000 tỷ đồng. Trong đó, mức gia tăng chủ yếu đến từ nhóm năng lượng và nông sản, khi các mặt hàng này chịu ảnh hưởng bởi nhiều báo cáo quan trọng trong phiên hôm qua.
Đóng cửa ngày hôm qua, đậu tương đã tiếp tục tăng nhẹ so với mức tham chiếu. Mặc dù suy yếu nhẹ trong phiên sáng, nhưng lực mua đã được đẩy mạnh khi phiên tối bắt đầu. Những số liệu trong báo cáo hằng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Brazil (CONAB) là nguyên nhân chính đã tác động lên giá.
Trong Báo cáo cung-cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 5 của USDA, các số liệu nhìn chung là khá trái chiều. Số liệu tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ mặc dù thấp hơn so với báo cáo trước nhưng vẫn cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường. Nguyên nhân chính khiến số liệu này bị cắt giảm là do khối lượng xuất khẩu của Mỹ được dự báo cao hơn so với trong tháng 4.
Điều này là hoàn toàn hợp lý khi mùa vụ không thuận lợi tại Brazil và Argentina đã thúc đẩy xuất khẩu đậu tương Mỹ. Đây là nguyên nhân khiến giá giảm nhẹ vào giai đoạn ngay sau khi báo cáo được công bố. Dù vậy, dự báo tồn kho đối với đậu tương niên vụ 22/23 lại thấp hơn so với dự đoán của thị trường nên đã tác động tích cực giúp giá đậu tương quay đầu tăng trở lại.
Đối với báo cáo tháng 5 của CONAB, các số liệu dù cũng có biến động, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng lên giá lại không quá rõ rệt. Sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 của Brazil đang được dự báo ở mức 123,83 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với báo cáo trước. Bên cạnh đó, tồn kho đậu tương niên vụ 21/22 của Brazil dự báo sẽ tăng lên mức 3,56 triệu tấn, từ mức 2,53 triệu tấn trong dự đoán trước.
Dù sản lượng và tồn kho dự báo tăng lên, tuy nhiên, ảnh hưởng đến nguồn cung thế giới sẽ không lớn khi xuất khẩu trong niên vụ này vẫn duy trì ở mức 77 triệu tấn. Cùng với tâm lý chờ đợi báo cáo cung cầu của USDA, thị trường nhìn chung chỉ giằng co sau khi số liệu được công bố.
Khô đậu tương đã giảm khá mạnh sau khi báo cáo WASDE được tung ra và xóa đi hoàn toàn mức tăng trước đó. Theo dự đoán của USDA, khối lượng ép dầu đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức 2,255 tỷ giạ, cao hơn mức 2,215 tỷ giạ trong năm nay. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến cho nguồn cung khô đậu trở nên dồi dào hơn trong thời gian tới và gây sức ép lên giá. Trong khi đó, dầu đậu cũng sụt giảm hơn 1% khi phải chịu sức ép từ sự suy yếu của dầu cọ trong ngày hôm qua.
Đối với ngô, triển vọng nguồn cung thấp với sản lượng niên vụ 22/23 của Mỹ được dự báo ở mức 14,46 triệu giạ, giảm 4,3% so niên vụ trước. Tuy nhiên, với diện tích từ báo cáo Prospective Plantings (Triển vọng Gieo trồng) đã được công bố ngày 31/3 vừa qua, cùng với mức năng suất được giữ nguyên so với niên vụ trước thì mức sản lượng thấp hơn không còn là yếu tố bất ngờ đối với thị trường. Bên cạnh đó, USDA vẫn chỉ giữ nguyên mức dự báo sản lượng của 2 quốc gia Nam Mỹ bất chấp việc hạn hán đã khiến cho các tổ chức lớn khác cắt giảm những số liệu này trong thời gian qua.
Trong khi đó, lúa mì lại là mặt hàng biến động mạnh nhất trong phiên hôm qua khi nhảy vọt lên gần 6%, mức tăng nhiều nhất được chứng kiến kể từ sau khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra vào đầu tháng 3 này. Thậm chí, có thời điểm, giá đã chạm mức kịch trần khi tăng 70 cents. Nguồn cung ở Mỹ là yếu tố chính gây ra tâm lý lo ngại của thị trường khi sản lượng giảm nhưng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều tăng lên.
Tồn kho cuối niên vụ 21/22 vốn đã thắt chặt, nhưng còn giảm thêm 6% xuống mức 619 triệu giạ và là mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua. Xuất khẩu của Mỹ được đẩy mạnh trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung tại Biển Đen là nguyên nhân lý giải cho mức sụt giảm trên.
Giá nông sản biến động mạnh thường sẽ tác động đáng kể tới giá thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Tuy nhiên ở thị trường trong nước, giá heo hơi tại các tỉnh thành vẫn tiếp tục đi ngang trong hôm nay.