Già làng Điểu KRiêng năm nay đã hơn 70 tuổi. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe ông nói thuần dưỡng thành công loài cheo rừng và đến nay chúng đã sinh sản: “Trước đây, Bình Phước là một trong những vùng đất có nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống. Tuy nhiên, khoảng hơn mười năm trở lại đây, diện tích rừng giảm nhanh chóng. Nhiều cánh rừng già bị thu hẹp. Vì thế, số lượng thú rừng cũng ngày càng khan hiếm, nhất là loài cheo rừng. Trong một lần về TP Đồng Xoài, thấy có người bán cheo rừng còn sống, tôi mua ba cặp về nuôi. Sau gần 5 năm chăm sóc, đến nay đàn cheo đã sinh sản và phát triển thành 26 con”. Để cheo phát triển tự nhiên, ông KRiêng xây tường bê-tông và dùng lưới vây một khoảnh vườn rộng hơn 150 m2 trồng các loại cây như lá nhíp, trai rừng, trứng cá... vừa tạo môi trường tự nhiên vừa tận dụng lá cây làm thức ăn cho cheo. Hỏi về hiệu quả kinh tế, già làng KRiêng cho biết: “Tôi nuôi không phải để kinh doanh mà là trả nợ rừng và bảo tồn động vật rừng quý hiếm. Nuôi cheo có niềm vui riêng, lúc ngắm chúng ăn lá cây tôi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình cùng tiếng chim kêu, tiếng suối chảy và cả những đêm trăng soi sáng núi rừng Bù Đăng”. Ngoài việc nuôi cheo rừng, già làng KRiêng còn chăm sóc 6 ha điều trồng xen cà-phê và nuôi ba con bò sinh sản.
Theo gương già làng Điểu KRiêng, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn cũng tập trung phát triển kinh tế gia đình. Không ít hộ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên làm giàu. Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm theo từng năm, hiện thôn chỉ còn 15 hộ nghèo. Già làng KRiêng tâm niệm: “Bà con tin tưởng bầu làm già làng cho nên tôi càng phải gương mẫu, phải nói đi đôi với làm thì người dân mới tin và làm theo”. Già làng Điểu KRiêng rất nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội tại địa phương. Những năm qua, già làng đã cùng Ban điều hành thôn vận động người dân hiến đất, ngày công lao động và đóng góp hơn một tỷ đồng để bê-tông hóa đường liên thôn, kéo điện về.
Nói về già làng Điểu KRiêng, Bí thư Chi bộ thôn Sơn Lập Trần Huy Hà khẳng định: “Già làng Điểu KRiêng luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của địa phương; nói dân nghe, làm dân tin; là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ông là tấm gương trong lao động sản xuất để đồng bào dân tộc Mơ Nông ở Thọ Sơn nói riêng và huyện Bù Đăng nói chung học tập, noi theo”.