Nhằm nâng cao chỉ số PCI trong các năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ doanh nghiệp, phấn đấu đưa PCI của tỉnh vào nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước trong năm 2024.
Đồng chí Rah Lan Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết: Nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tỉnh. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt họp hằng tuần để giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách toàn diện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay từ khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Cùng với đó, tỉnh áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 nhằm đơn giản hóa quy trình và giảm những tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Đinh Hữu Hòa, trên cơ sở phân tích đánh giá chi tiết 10 chỉ số thành phần năm 2023, nhất là 4 nhóm chỉ số giảm điểm, giảm bậc, bao gồm: Tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức; tính năng động tiên phong của chính quyền; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục.
Cụ thể, tỉnh đã chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, trong đó quy định cụ thể thời gian giải quyết ở từng đơn vị để xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng từng đơn vị; hoàn thiện việc xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định; công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các chính sách, quy định mới có liên quan về đất đai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và tại các địa phương; rà soát, thống kê và thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng theo quy định; có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan, tránh lãng phí.
Nhằm cải thiện chỉ số Chi phí không chính thức tỉnh Gia Lai, hiện xếp hạng 59 trên tổng số 63 địa phương, giảm 41 bậc trên bảng xếp hạng cả nước, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương, chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định trong hoạt động mua sắm, đầu tư xây dựng; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, thực hiện tốt, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát kết quả thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công...
Tỉnh đã nêu tên các đơn vị, địa phương có thứ hạng thấp theo đánh giá của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương năm 2023 như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pa, Ủy ban nhân dân huyện Phú Thiện, Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông …, từ đó có các giải pháp cụ thể, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Năm 2023, chỉ số Tính Năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh Gia Lai xếp hạng 60 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 7/9 tiêu chí của chỉ số này giảm điểm, giảm bậc, cần đẩy mạnh khắc phục.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Rah Lan Chung cho biết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân , Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; xử lý kịp thời những thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về đường dây nóng trong cải cách hành chính; chú trọng xây dựng hình ảnh của cơ quan, đơn vị luôn năng động, phát huy các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, quảng bá hình ảnh phát triển của cơ quan, chính quyền địa phương trong cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời thông tin về các chủ trương chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường truyền thông các biện pháp mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xử lý và thực thi các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.
Trong quá trình hoạt động nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc, các đơn vị chức năng sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo tỉnh để có giải pháp tháo gỡ phù hợp, bên cạnh duy trì tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số cạnh tranh theo lĩnh vực phụ trách; kế hoạch xây dựng với bố cục theo từng tiêu chí, từng chỉ số con, chỉ số thành phần; công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định; tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo các điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải thiết lập “đường dây nóng”, công khai số điện thoại lãnh đạo, bộ phận tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp lên website của đơn vị; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo quy định và thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong thực thi công vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ công chức, viên chức về trách nhiệm, tác phong, năng lực trong thực thi công vụ; thiết lập các kênh liên thông thống nhất trong quy trình xử lý hồ sơ giữa các sở, ngành; tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp...