Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục đà suy yếu

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên hôm qua. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,6% xuống 2.317 điểm, nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục đà suy yếu ảnh 1

Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tiếp tục tăng gần 11%, đạt mức xấp xỉ 3.700 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản, chiếm đến 80% tổng giá trị giao dịch ghi nhận trong ngày hôm qua khi mà khối lượng giao dịch của nhóm này gia tăng đột biến.

Giá ngô xuống mức thấp nhất từ tháng 9/2022

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, giá ngô tiếp tục đà giảm và ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Triển vọng nguồn cung nới lỏng sau Báo cáo Cung-cầu (WASDE) tháng 3 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là nguyên nhân chính khiến cho giá quay trở lại xu hướng giảm mạnh trong phiên hôm qua.

Trong báo cáo lần này, tồn kho ngô niên vụ 2022/23 của Mỹ đã tăng mạnh thêm 75 triệu giạ lên mức 1,3 tỷ giạ, cao hơn mức dự đoán của thị trường. Sự chênh lệch này đến từ việc số liệu xuất khẩu bị cắt giảm do tốc độ bán hàng kém, sau khi Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu ngô Brazil. Đây là yếu tố chính tạo sức ép lên giá ngay sau khi báo cáo được phát hành.

Đối với các số liệu tại khu vực Nam Mỹ, USDA đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Argentina xuống còn chỉ 40 triệu tấn, giảm 7 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng trước. Con số này không chỉ thấp hơn rất nhiều mà còn nằm ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Việc khô hạn kéo dài cùng nhiệt độ thất thường trong tháng 2 tại Argentina rõ ràng là nguyên nhân chính khiến cho USDA mạnh tay trong việc cắt giảm. Sản lượng thấp hơn đã khiến cho dự báo xuất khẩu của nước này cũng giảm 7 triệu tấn so với báo cáo trước, xuống chỉ còn 28 triệu tấn. Mặc dù sản lượng ngô của Argentina bị cắt giảm, tuy nhiên, sự gia tăng được ghi nhận tại Ấn Độ và Paraguay có thể sẽ giảm bớt một phần hỗ trợ giá.

Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục đà suy yếu ảnh 2

Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Giá tiếp tục giảm sâu dưới vùng kháng cự tâm lý 700. Báo cáo WASDE không mang lại nhiều thay đổi đáng kể mà những thông tin về nguồn cung lúa mì đang dần ổn định đã thúc đẩy lực bán.

Cụ thể, triển vọng cung và cầu lúa mì niên vụ 22/23 của Mỹ không thay đổi so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ Brazil (Embrapa) có kế hoạch mở rộng thử nghiệm nhiều loại lúa mì biến đổi gene (GM) có khả năng chịu hạn trên nhiều vùng của đất nước hơn, sau khi nước này chính thức phê duyệt việc trồng và thương mại hóa lúa mì GM vào tuần trước. Nếu như được ứng dụng thành công, diện tích gieo trồng lúa mì có thể mở rộng thêm khoảng 50%. Thông tin trên đã khiến giá lúa mì liên tục chịu sức ép trong suốt hầu hết phiên hôm qua.

Cà-phê Arabica giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/3, sắc đỏ bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng tiếp tục diễn biến trái chiều, trong khi Arabica quay đầu giảm mạnh trước sức ép từ nguồn cung.

Arabica đảo chiều giảm mạnh gần 3% sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó. Nguồn cung đang có dấu hiệu hồi phục thông qua sản lượng Arabica tháng 2 tại Colombia tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái và một số vùng tại Brazil bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 tới, kỳ vọng sẽ bù đắp những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do việc hạn chế bán hàng trước đó, đồng thời gây sức ép khiến giá quay đầu giảm mạnh trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE NewYork bất ngờ tăng 3,851 bao loại 60kg, lên mức 767.551 bao, sau 1 tháng giảm liên tiếp cũng góp phần vào mức giảm của mặt hàng này.

Ở chiều ngược lại, Robusta đảo chiều tăng nhẹ USD sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tồn kho Robusta trên Sở ICE London tăng nhẹ trở lại về mức 74.260 tấn sau khi giảm nhẹ 30 tấn trong phiên trước đó.

Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục đà suy yếu ảnh 3

Giá dầu thô giảm đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung đường thô tại đây trở nên nới lỏng hơn, từ đó gây sức ép khiến giá giảm 0,67% trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, việc Brazil có kế hoạch tăng tỷ lệ ethanol sản xuất từ ngô lên trên 36% cũng gây lo ngại sẽ giảm bớt lượng ethanol được sản xuất từ mía, góp phần thúc đẩy việc sản xuất đường hơn nữa và gây sức ép lên giá đường thô.

Dầu cọ thô đã tiếp tục sụt giảm trong phiên thứ 3 liên tiếp do sức ép từ các loại dầu thực vật đối thủ. Theo James Fry, Chủ tịch Công ty tư vấn hàng hóa LMC International, giá dầu cọ thô của Malaysia có thể sẽ ở mức trung bình khoảng 3,760 ringgits/tấn, giảm từ mức kỷ lục 4.920 ringgits/tấn trong năm ngoái do áp lực từ việc giá dầu thô thấp hơn. Trong khi đó, theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), xuất khẩu dầu cọ của Indonesia dự kiến sẽ giảm vào năm 2023 do Jakarta quyết định tăng cường sử dụng dầu cọ để sản xuất diesel sinh học. Điều này dự kiến sẽ làm giảm lượng dầu cọ dư thừa có để bán ra nước ngoài.

Giá cà-phê nội địa xu hướng ổn định

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, cà-phê trong nước được thu mua ở mức giá 47.600-48.000 đồng/kg, tương đương với mức giá trong ngày đầu tuần.

Giá cà-phê tại các địa phương sản xuất trọng điểm đang trong xu hướng tương đối giằng co trong bối cảnh mùa vụ tương đối thuận lợi khiến nguồn cung cà-phê có thể nới lỏng. Tuy nhiên, giá phân bón, chi phí sản xuất vẫn ở mức cao là yếu tố giúp giá duy trì đà tăng. Là quốc gia cung ứng cà-phê Robusta lớn nhất thế giới, giá cà-phê tại Việt Nam sẽ còn ảnh hưởng mạnh, góp phần chi phối xu hướng chung của giá Robusta quốc tế.