Giá dầu đảo chiều giảm
Đà tăng của giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch ngày 3/7 đã bị xoá sạch trong phiên tối, khiến cho dầu thô đóng cửa trong sắc đỏ, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Lo ngại về rủi ro tăng trưởng, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, đã lấn át hàng loạt các rủi ro từ phía nguồn cung và kéo giá dầu suy yếu.
Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 1,2%. Dầu Brent chốt phiên ở mức 74,65 USD/thùng, giảm 1,01% so phiên trước đó.
Hàng loạt các thông tin từ phía nguồn cung từ các nước sản xuất chính đã hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu trong nửa đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, mọi mức tăng đều đã bị phá vỡ, giá dầu đảo chiều giảm trở lại nửa cuối phiên giao dịch trong bối cảnh dữ liệu sản xuất yếu kém tại Mỹ và châu Âu vào tháng 6 đã làm gia tăng rủi ro suy thoái, hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Cụ thể, dữ liệu từ Viện Quản lý và Cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy Mỹ tiếp tục thu hẹp trong tháng 6, thể hiện qua chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất đã giảm xuống 46, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, và thấp hơn mức dự đoán 47 điểm của các chuyên gia kinh tế.
Bức tranh tương tự, hoạt động sản xuất của khu vực đồng tiền chung châu Âu (EU) cũng suy yếu trong tháng 6, với PMI sản xuất giảm xuống mức 43,4 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2020, trước sức ép lãi suất liên tục tăng cao.
Áp lực tăng trưởng đè nặng lên các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô sụt giảm. Lo ngại này hoàn toàn lấn át các rủi ro từ phía nguồn cung trước đó và kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên tối.
Cà-phê Arabica hồi phục sau khi xuống mức thấp nhất 6 tháng
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, sắc xanh hoàn toàn bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Đáng chú ý, giá dầu cọ đã tăng mạnh hơn 5% trong ngày hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, nhờ được hỗ trợ từ diễn biến dầu đậu tương. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cho biết, diện tích trồng đậu tương năm 2023 của Mỹ thấp hơn rất nhiều so với dự đoán của thị trường, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và khiến dầu đậu tương bật tăng mạnh. Ngoài ra, căng thẳng xung quanh thỏa thuận biển Đen giữa Nga và Ukraine, các nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn, cũng hỗ trợ giá.
Sau 7 phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên và chốt ngày hôm qua với mức tăng 2,33%. Lực mua bắt đáy kết hợp cùng biến động thời tiết tại Ấn Độ là nguyên nhân khiến giá tăng mạnh.
Văn phòng thời tiết Ấn Độ cho biết, gió mùa hằng năm đã bao phủ toàn bộ đất nước sớm hơn 6 ngày so thường lệ, nhưng tổng lượng mưa thấp hơn 10% so mức trung bình cho đến thời điểm này trong mùa. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cây trồng như mía đường, làm dấy lại lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, giá cà-phê Arabica tăng gần 1% sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng vào cuối tuần trước. Nguồn bổ sung cà-phê trong tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE còn hạn hẹp, hỗ trợ giá lấy lại đà tăng.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tính đến hết ngày 30/6 ở mức 544.915 bao loại 60kg, giảm nhẹ 1.735 bao so 1 tuần trước đó. Hiện có 3.989 bao đang chờ phân loại để có thể bổ sung vào các kho lưu trữ trong thời gian tới.
Tương tự, những hỗ trợ về mặt kỹ thuật cùng lo ngại thiếu hụt nguồn cung ở hiện tại, khiến giá cà-phê Robusta tăng gần 2% trong phiên đầu tuần.
Tại Indonesia, xuất khẩu cà-phê Robusta dạng hạt trong tháng 5 đạt 13.618 tấn, tăng 13,03% so cùng kỳ năm trước và cao hơn 87,22% so tháng 4, theo dữ liệu văn phòng thương mại địa phương.
Cùng chung xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng bật tăng mạnh trong sáng nay. Theo ghi nhận của MXV, cà-phê trong nước được thu mua ở mức 64.900-65.500 đồng/kg, tăng mạnh 700 đồng/kg so ngày hôm qua.