Giá dầu thô sụt giảm sau cuộc họp của FED

NDO -

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6, thị trường hàng hóa đón nhận mức biến động trái chiều của 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) sau cuộc họp lãi suất quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trừ kim loại, 3 nhóm mặt hàng còn lại đều kết thúc với mức điểm thấp hơn phiên giao dịch hôm qua và kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,04% xuống mức 2980,68 điểm. Tuy nhiên, diễn biến trên sàn giao dịch vẫn đang diễn ra sôi động, được củng cố khi giá trị giao dịch tăng mạnh 11,53% và đạt mức cao nhất trong tuần, gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền có xu hướng phân bổ chủ yếu vào nhóm năng lượng và công nghiệp, chiếm hơn 65% tổng giá trị giao dịch toàn Sở.

Giá dầu thô sụt giảm sau cuộc họp của FED -0
 

Dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trước loạt thông tin tiêu cực

Giá dầu nối dài đà giảm trong phiên giao dịch hôm qua, dưới tác động của báo cáo Thị trường dầu hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và quyết định tăng lãi suất của FED. Cụ thể, giá WTI giảm 3,04% xuống 115,1 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,2% xuống 118,51 USD/thùng.

Báo cáo Thị trường dầu hàng tháng của IEA phát hành chiều qua cho thấy tồn kho dầu toàn cầu tăng 77 triệu thùng trong tháng 4, mức tăng lần đầu tiên sau 7 quý sụt giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc trong nửa đầu quý I và sức ép từ triển vọng kinh tế tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu trong giai đoạn trước. Tuy vậy, sự phục hồi tiêu thụ trong nửa cuối năm khiến cho IEA giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 99,4 triệu thùng/ngày. Đến năm 2023, nhu cầu sẽ đạt 101,6 triệu thùng/ngày, vượt qua mức trước đại dịch. Tuy vậy, sự thay đổi đáng chú ý nằm ở việc IEA không còn quá lo ngại về thâm hụt cung-cầu trong năm nay, do giá dầu tăng mạnh phần nào tạo ra rủi ro về nhu cầu bị kìm hãm, và các đợt giải phóng từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược IEA đã giúp đảo ngược đà giảm của tồn kho dầu nhóm các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Giá dầu đã giảm sau báo cáo này.

Giá dầu thô sụt giảm sau cuộc họp của FED -0
 

Dầu thô tiếp tục chịu áp lực trong phiên tối sau khi báo cáo hằng tuần của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thương mại tăng hơn 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/6, ngược với dự báo giảm 1,3 triệu thùng của thị trường. Nguyên nhân là do dầu từ kho dự trữ chiến lược giảm đến 7,7 triệu thùng trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường của Mỹ, theo các cam kết cùng với IEA. Đáng chú ý, tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Mỹ trong tuần vừa rồi giảm 500.000 thùng/ngày, trong khi nhập khẩu cũng tăng 668.000 thùng/ngày trong tuần vừa rồi, cho thấy sự sụt giảm nhẹ trong tiêu thụ khi giá xăng tăng đến mức 5 USD/gallon. Sản lượng dầu của Mỹ cũng nhích 100.000 thùng/ngày lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ tháng 4/2020, gây áp lực đến giá. 

Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh nhất sau khi FED tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6, khiến cho giá giảm đến gần 4 USD/thùng ngay sau thông báo. FED cũng báo hiệu lãi suất có thể sẽ tăng đến 3,4% trong cuối năm nay, nhiều hơn đáng kể so với con số 1,9% đưa ra trong tháng 3. Lãi suất cao có thể gây áp lực khiến nền kinh tế giảm tốc, và làm giảm tiêu thụ năng lượng, nhất là khi giá dầu đã duy trì ở vùng đỉnh 8 năm một thời gian dài.

Arabica tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp, dầu cọ phục hồi sau 2 phiên giảm mạnh

Đối với thị trường nguyên liệu công nghiệp, bảng giá các mặt hàng trong nhóm đều đang có sự phân hóa. Trong khi mức tăng của cà-phê và cacao là khá nhỏ, thì giá dầu cọ thô, bông và đường đều có sự sụt giảm mạnh.

Dẫn đầu toàn nhóm là mức giảm lên đến hơn 3% của giá dầu cọ thô, đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Xuất khẩu dầu cọ trong nửa đầu tháng 6 của Malaysia ước tính đạt 530.000 tấn, giảm khoảng 6% so mức 564.000 tấn đã xuất khẩu trong nửa đầu tháng 5. Đà giảm bị hạn chế ở vùng hỗ trợ 5600 ringgit và đang có sự phục hồi trở lại sau khi chính phủ Ấn Độ giảm mức giá nhập khẩu cơ bản đối với dầu cọ thô từ 1625 xuống còn 1620 USD/tấn.

Giá dầu thô sụt giảm sau cuộc họp của FED -0
 

Theo sau dầu cọ thô là mức giảm hơn 2% của giá bông, sau khi mặt hàng này đánh mất mốc hỗ trợ 120 cents. Giá bông có sự phục hồi nhẹ trong đầu tuần này, tuy nhiên 2 phiên giảm mạnh liên tiếp sau đó đã đẩy giá về vùng thấp nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Giá dầu thô suy yếu có thể giúp giảm giá thành sản xuất của các sợi nhân tạo, kéo theo mức giảm của giá bông. Cùng với đó, lo ngại về dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, cũng với lạm phát tăng cao đang ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ bông.

Một mặt hàng khác cũng chịu sự chi phối không nhỏ của giá dầu thô là đường. Giá đường thô và đường trắng lần lượt giảm xấp xỉ 1,3% và 1,5%. Đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của đường thô và mức giá đóng cửa trong phiên hôm qua là thấp nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay. Hạ viện Brazil đã chính thức thông qua đề xuất giảm thuế với các loại nhiên liệu, nhằm kiềm chế lạm phát. Việc này có thể làm giảm sản lượng ethanol trong thời gian tới tại nước này và các nhà máy sẽ tăng việc sử dụng mía cho sản xuất đường, qua đó, gây áp lực khá lớn lên giá đường.

Ở hướng ngược lại, thị trường chứng khoán khởi sắc nhẹ trong bối cảnh đồng dollar suy yếu đã kéo theo nhu cầu với cà-phê và cacao. Đối với thị trường nội địa, giá cà-phê hôm nay dao động trong khoảng 41.400-41.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà-phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng trung bình 100 đồng/kg so hôm qua.

Giá dầu thô sụt giảm sau cuộc họp của FED -0