Điểm sáng duy nhất trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua là dòng tiền đã quay trở lại, hồi phục lên mức hơn 4.200 tỷ đồng, tăng mạnh đến hơn 50% so với mức trung bình từ đầu tuần đến nay. Đây là một trong những ưu thế vượt trội của thị trường hàng hóa khi các nhà đầu tư luôn tìm kiếm được cho mình các cơ hội ngay cả khi giá cả chung đều đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch 4/11, dầu thô đã trải qua nhiều biến động mạnh đáng chú ý, với các thông tin trái chiều đến từ phía OPEC+ và Mỹ. Mặc dù trong phiên đã có lúc tăng vọt tới 2% nhưng giá dầu ngay sau đó lại rơi mạnh về mức thấp nhất trong gần 1 tháng qua. Giá dầu WTI đóng cửa giảm 2,54% xuống 78,81 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,77% xuống 80,54 USD/thùng.
Sau cuộc họp vào tối qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh quyết định giữ mức tăng sản lượng dự kiến lên 400 nghìn thùng/ngày. Saudi Arabia và các đồng minh đã liên tục bác bỏ lời kêu gọi của các nước đối tác lớn để bảo vệ lập trường, cho rằng vẫn còn rủi ro dịch Covid-19 bùng phát trở lại, có thể ảnh hưởng xấu đến các nước sản xuất.
Chỉ vài tiếng sau cuộc họp của OPEC+, Nhà trắng đã lên tiếng sẽ bảo vệ kinh tế nước này, gợi ý rằng họ sẽ can thiệp vào thị trường dầu để tránh giá xăng dầu tăng. Mỹ có nhiều động lực để can thiệp vào thị trường dầu do theo ước tính, mỗi lần giá xăng tăng 1 cent, người tiêu dùng Mỹ lại thiệt hại 1 tỷ USD.