Chốt phiên tại New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 tăng 1,6 USD (gần 2%), lên 83,54 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 11 tăng 1,15 USD (1,3%) lên 89,15 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 7/9, giá dầu WTI và dầu Brent đều giảm tới 5% và chốt phiên ở mức giá thấp nhất kể từ tháng 1 chủ yếu do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc ngày 2/9, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ tăng thêm 8,8 triệu thùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu thô của nước này sụt giảm 1,8 triệu thùng.
Cũng trong tuần trên, lượng dầu thô Mỹ nhập khẩu tăng, trong khi xuất khẩu giảm. Trung bình Mỹ nhập khẩu 6,779 triệu thùng/ngày, tăng 824 nghìn thùng với tuần trước đó.
Trong khi đó, lượng dầu xuất khẩu trung bình của Mỹ trong tuần đó là 3,433 triệu thùng/ngày, giảm 534 nghìn thùng/ngày so với tuần trước đó.
Trung bình 4 tuần qua, Mỹ nhập khẩu 6,259 triệu thùng/ngày, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 4 tuần qua, Mỹ xuất khẩu trung bình 4,144 triệu thùng/ngày, tăng 42,6% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn luôn là một trong những nước sản xuất dầu quan trọng của thế giới với sản lượng liên tục gia tăng.
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát gia tăng tại Mỹ cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, cùng với việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và hoạt động sản xuất bị đình trệ - yếu tố tác động đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.