Giá dầu thế giới đi xuống sau khi ECB tăng lãi suất

Giá dầu thế giới giảm hơn 3 USD/thùng trong phiên giao dịch 21/7, giữa bối cảnh dự trữ xăng của Mỹ tăng và việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu trưng của ECB. (Ảnh: Reuters)
Biểu trưng của ECB. (Ảnh: Reuters)

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 3,53 USD (3,5%), xuống 96,35 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3,06 USD (2,9%), xuống 103,86 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều mất hơn 5 USD/thùng vào đầu phiên.

Giá dầu giảm trong bối cảnh dự trữ xăng của Mỹ tăng và việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ năng lượng. Cụ thể, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy giá xăng giao sau hiện ở mức 3,15 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), giảm 13 xu Mỹ (tương đương 3,8%) sau khi kho dự trữ xăng nước này tăng 3,5 triệu thùng vào tuần trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích.

Kết thúc cuộc họp vào ngày 21/7, ECB đã quyết định nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến nhằm kiểm soát lạm phát, khi nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) chịu tác động từ cuộc xung đột Ukraine. ECB nâng lãi suất tiền gửi 0,5 điểm %, vượt mức dự kiến trước đó là 0,25 điểm %, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay nhằm tập trung vào việc chống lạm phát tăng cao, thay vì lo ngại về suy thoái kinh tế, vốn có thể đè nặng lên nhu cầu dầu. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng này trong 11 năm.

Các chuyên gia cũng lý giải một số nguyên nhân khác đẩy giá dầu đi xuống. Trong đó, nguồn cung dầu từ Libya trở lại thị trường sau thời gian bị gián đoạn. Ngày 20/7 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã được phục hồi tại một số mỏ dầu sau khi dỡ bỏ điều kiện bất khả kháng đối với xuất khẩu dầu vào tuần trước.

Ngoài ra, Nga tiếp tục cho lưu thông dòng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu đã làm giảm bớt các hạn chế về nguồn cung. Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 1 (Nord Stream 1) của Nga, chạy dưới Biển Baltic tới Đức, đã được nối lại một phần sau khi ngừng hoạt động để bảo trì vào ngày 11/ 7.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng phục hồi từ mức thấp của một năm trong phiên 21/7 sau khi tăng hơn 1% trong bối cảnh đồng USD giảm và những lo ngại dai dẳng về tình hình kinh tế đã thúc đẩy sự hấp dẫn của vàng như là “kênh đầu tư an toàn”.

Khoảng 23 giờ 36 phút ngày 21/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.712,61 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 là 1.680,25 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 1.711 USD/ounce.

Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), cho biết những rủi ro địa chính trị liên quan đến Ukraine, giá năng lượng cao hơn và “núi nợ khổng lồ” đang là các yếu tố thúc đẩy hoạt động mua vào vàng. Đồng USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người mua nước ngoài khác.

Nhưng nhìn chung, giá vàng đã mất hơn 380 USD/ounce kể từ đầu tháng 3/2022 do đà tăng gần đây của đồng USD đã làm tăng thêm những trở ngại từ việc lãi suất tăng mạnh, làm giảm cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) cho biết vàng vẫn bị mắc kẹt giữa lạm phát và suy thoái kinh tế gia tăng với lãi suất tăng mạnh, đồng USD mạnh và nhu cầu yếu theo mùa.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 21/7, chứng khoán Phố Wall tăng phiên thứ ba liên tiếp, sau báo cáo kinh doanh khả quan của Tesla và sự suy yếu của đồng USD.

Chốt phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,4% lên 12.059,61 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 32.036,90 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1% lên 3.999 điểm.

Hãng sản xuất xe điện Tesla Inc (Mỹ) ngày 20/7 thông báo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi trong quý II/2022 với lợi nhuận đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dù biện pháp phong tỏa để ngừa Covid-19 tại Thượng Hải (Trung Quốc) tác động xấu đến biên độ lợi nhuận của hãng. Thông tin này đã giúp cổ phiếu của Tesla tăng gần 10%.

Trong khi đó, ECB đã khiến các thị trường bất ngờ với việc nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến nhằm kiểm soát lạm phát. Động thái này khiến đồng euro lên giá so với đồng USD sau một đợt tăng giá mạnh của đồng bạc xanh, làm xói mòn kết quả kinh doanh của một số tập đoàn đa quốc gia của Mỹ.