Giá dầu lấy lại mốc 100 USD, giá ngô và lúa mì cũng tăng mạnh

NDO -

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa ngày 17/3, sắc xanh áp đảo trở lại trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở. Trong đó, đáng chú ý nhất là mức tăng rất mạnh của nhóm năng lượng, giúp chỉ số MXV-Index cũng tăng đến 3,4% lên mức 2.910,05 điểm, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trước đó.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Giá dầu lấy lại mốc 100 USD, giá ngô và lúa mì cũng tăng mạnh -0

Tuy nhiên, theo thông tin từ Khối Quản trị Rủi ro MXV, tổng giá trị giao dịch toàn Sở giảm nhẹ về mức 4.500 tỷ đồng, trong bối cảnh giới đầu tư đang thận trọng hơn với các biến động giá của nhiều mặt hàng. 

Giá dầu lại vọt tăng 8%

Thị trường dầu thô lấy lại sắc xanh trong phiên hôm qua với giá dầu WTI tăng 8,4% lên gần 103 USD/thùng, và giá dầu thô Brent cũng đóng cửa cao hơn gần 9% lên 106,6 USD/thùng. Dù cả 2 mặt hàng dầu thô đã lấy lại mốc 100 USD nhưng mức giá này vẫn thấp hơn khoảng 20% so mức đỉnh được lập vào tuần trước. 

Giá dầu lấy lại mốc 100 USD, giá ngô và lúa mì cũng tăng mạnh -0
 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường năng lượng có thể đối mặt với “cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ”, bởi thị trường sẽ thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt và mức giảm này lớn hơn rất nhiều so nỗ lực cắt giảm nhu cầu tiêu thụ chỉ có 1 triệu thùng/ngày của thế giới.  

Ngoài ra, Ngân hàng Morgan Stanley nâng mức dự báo giá dầu thô Brent sẽ tăng trở lại 120 USD trong quý III/2022 và dự đoán sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng trong tháng 4. Ngân hàng cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 600 nghìn thùng, trong bối cảnh Trung Quốc phải phong tỏa vì dịch bệnh và kỳ vọng tăng trưởng GDP kém hơn trên toàn thế giới. 

Hiện Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 2 nước nắm giữ công suất dự phòng đáng kể có thể ngay lập tức giúp bù đắp sự thiếu hụt, nhưng cho đến nay đã chọn không tăng sản lượng, vì thế tình trạng nguồn cung eo hẹp trên toàn cầu sẽ khó có thể được khắc phục trong thời gian ngắn. 

Bên cạnh đó, thị trường dầu thô cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đợt tăng lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng 0,25 điểm % có phần khiêm tốn và sẽ không đủ để kìm hãm việc lạm phát đang tăng nhanh nhất trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây.

Sắc xanh vượt trội ở nhóm nông sản

Ngô là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản với 3,36% cao hơn so mức tham chiếu và đóng cửa ở mức 754,5 cents/giạ, vượt trở lại mốc kháng cự quan trọng 750 cents. Giá dầu thô bất ngờ phục hồi mạnh hơn 8% sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, do tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đen chưa hề có dấu hiệu lắng xuống, cùng với việc thỏa thuận hạt nhân với Iran có nguy cơ đi vào bế tắc. Việc giá dầu tăng mạnh kéo theo giá ethanol và dẫn đến việc nhu cầu với ngô sẽ lớn hơn, là yếu tố chính hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.

Giá dầu lấy lại mốc 100 USD, giá ngô và lúa mì cũng tăng mạnh -0
 

Đà tăng mạnh của giá ngô cũng giúp giá lúa mì phục hồi mạnh sau khi giảm kịch sàn trong phiên thứ tư. Thời tiết tại các khu vực gieo trồng lúa mì chính của Mỹ được dự báo vẫn sẽ khô hạn trong nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4, tiếp tục gây ra lo ngại về chất lượng mùa vụ năm nay, trong bối cảnh có đến 73% diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Trên thị trường trong nước, việc giá thức ăn chăn nuôi (gồm các nguyên liệu thô của nông sản) biến động mạnh chưa tác động nhiều tới giá heo hơi. Cụ thể, giá heo hơi ở khu vực miền bắc tăng giảm trái chiều, mức tăng mạnh nhất 3.000 đồng/kg ở Hưng Yên, trong khi giảm 1.000 đồng/kg ở Thái Nguyên. Tương tự ở miền trung, giá heo hơi tăng mạnh nhất là 2.000 đồng/kg ở Thanh Hóa và giảm 2.000 đồng/kg ở Quảng Bình, Quảng Trị. Ở miền nam, giá heo hơi giảm tương ứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Đồng Tháp, còn tăng nhẹ ở Vĩnh Long, Cần Thơ.

Giá dầu lấy lại mốc 100 USD, giá ngô và lúa mì cũng tăng mạnh -0