Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 2,73% lên 75,57 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 81,07 USD/thùng, tăng 2,53% so với phiên trước.
Diễn biến giá ảm đạm trong phần lớn thời gian của ngày do thanh khoản giao dịch yếu sau nghỉ lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng tại Trung Đông đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường, kéo giá dầu tăng vọt.
Hơn nữa, giá dầu còn được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, với chỉ số Dollar Index nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào năm tới đang là chất xúc tác chính gây sức ép lên đồng USD. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy 82% thị trường đặt cược vào khả năng FED cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 3/2024, so với khoảng 21% trong tháng 11.
Thêm vào đó, xét trên yếu tố cung cầu, nguồn cung từ Nga có xu hướng thắt chặt trong bối cảnh thông lượng lọc dầu của các nhà máy tại quốc gia này tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này sẽ làm hạn chế xuất khẩu dầu ra ngoài thị trường, từ đó thúc đẩy giá tăng.
Bloomberg cho biết, các nhà máy lọc dầu của Nga đã xử lý trung bình 5,57 triệu thùng dầu/ngày trong 20 ngày đầu tháng 12, tăng gần 60.000 thùng/ngày so với mức trung bình tháng 11, và là mức cao nhất kể từ tháng 4.
Ngoài ra, lực mua cũng được củng cố sau khi Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết nước này đã hoàn tất các hợp đồng mua 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) sau khi liên tục xả kho vào năm ngoái.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày hôm qua tăng 0,73% lên 2.162 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tương đối ổn định, đạt gần 5.100 tỷ đồng.