Giá cước vận tải giảm "nhỏ giọt" so với giá xăng dầu

Sau tám lần điều chỉnh giá xăng dầu, với tổng mức giảm của xăng Ron 95 III là 10.290 đồng/lít, về mức 22.580 đồng/lít và xăng E5 Ron 92 giảm 9.520 đồng/lít, về mức 21.780 đồng/lít, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã điều chỉnh giảm giá cước nhằm thu hút khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều nhà xe, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục "ngóng" theo giá xăng dầu để điều chỉnh giá.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà xe, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục "ngóng" theo giá xăng dầu để điều chỉnh giá. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Nhiều nhà xe, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục "ngóng" theo giá xăng dầu để điều chỉnh giá. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Theo khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang xây dựng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng đợi giá xăng dầu giảm sâu và giữ ổn định trong thời gian dài. Bởi nếu không tính toán kỹ, điều chỉnh tăng, giảm theo từng chu kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, thậm chí, nguy cơ thua lỗ, phá sản rất dễ xảy ra.

Áp lực về giá

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (đơn vị quản lý hãng xe Sao Việt-chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội-Lào Cai) Đỗ Văn Bằng cho biết, theo quy luật, khi giá xăng dầu giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải điều chỉnh giảm giá cước tương ứng.

Tuy nhiên, do thời gian qua đơn vị không tăng giá cước, kể cả trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao nhưng hãng phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm tối đa các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động.

Ông Bằng cũng cho biết thêm, đợt điều chỉnh tăng giá gần nhất đã cách đây vài năm, khi giá xăng ở mức 12-13 nghìn đồng/lít, sau tăng lên 21-22 nghìn đồng/lít, đơn vị mới điều chỉnh tăng giá cước 12%. Kể từ đó đến nay, hãng vẫn duy trì giá cước vận chuyển ở mức 250 nghìn đồng/lượt/khách đối với tuyến Mỹ Đình-Lào Cai.

Qua nhiều thời điểm xăng dầu tăng giá, đơn cử như cuối tháng 6 vừa qua, khi giá xăng tăng cao và thiết lập "đỉnh mới" ở mức 32-33 nghìn đồng/lít nhưng hãng vẫn cố gắng "chịu trận", giữ nguyên giá cước vận chuyển.

Phần lớn các doanh nghiệp đang xây dựng phương án điều chỉnh giá cước theo hướng đợi giá xăng dầu giảm sâu và giữ ổn định trong thời gian dài.

Hiện tại giá xăng dầu xuống mức 21-22 nghìn đồng/lít mới giúp doanh nghiệp hạch toán đầu vào phù hợp. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu và giữ ổn định lâu dài ở mức 15-16 nghìn đồng/lít, chắc chắn đơn vị sẽ điều chỉnh giảm giá cước tương ứng.

"Trong lĩnh vực vận tải, chi phí nhiên liệu đầu vào chiếm một khoản rất lớn của doanh nghiệp, do đó, đơn vị nào tăng giá cước trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, khi giá xăng dầu giảm thì đơn vị đó phải giảm giá cước tương ứng với giá xăng dầu. Điều quan trọng nhất là chi phí đầu vào khi doanh nghiệp hạch toán giá cước chứ không phải giá xăng dầu lên xuống phải điều chỉnh tăng, giảm theo sẽ gây tốn kém, tạo "gánh nặng" đối với doanh nghiệp" - ông Đỗ Văn Bằng nhấn mạnh.

Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô-tô Điện Biên (đơn vị có hơn 30 đầu xe chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội-Điện Biên và Thái Bình-Điện Biên) Nguyễn Quốc Mạnh khẳng định, từ đầu năm đến nay, đơn vị không điều chỉnh tăng, giảm giá cước vận chuyển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến thị trường lao đao.

Đặc biệt, sản lượng bình quân hiện nay chỉ đạt khoảng 30-40% so với mục tiêu, do đó, câu chuyện giá cước hiện đang ở mức 340 nghìn đồng/lượt/khách đối với tuyến Hà Nội-Điện Biên chưa thể góp phần ổn định hoạt động.

Điều quan trọng nhất giai đoạn hiện tại là sự vực dậy của thị trường, lượng khách đủ lớn mới giúp đơn vị từng bước thoát khó. Nếu không, đơn vị đối diện với vô vàn khó khăn, lương lao động bị âm, khó duy trì hoạt động.

Ông Mạnh cũng cho biết, mặc dù giá xăng dầu đã giảm khoảng 30-40% so với tháng 1/2022 nhưng chưa thể quay về mốc khởi điểm của tháng 3/2018, khi đơn vị xây dựng giá cước ở mức 14-15 nghìn đồng/lít, giờ muốn giảm cước thì giá xăng dầu phải xuống thấp hơn mới có thể xây dựng phương án điều chỉnh.

Tương tự, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn-Hải Vân Lê Đình Dũng cho biết, qua nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu, hiện giá xăng mới về mức thấp hơn khi đơn vị xây dựng giá cước vào khoảng 1.000 đồng/lít. Mặt khác, khi giá cả đầu vào như nhiên vật liệu, sửa chữa, bảo dưỡng,... tăng cao nên đơn vị phải phân tích, tính toán kỹ lưỡng để xây dựng phương án điều chỉnh giá.

Nếu xăng dầu giảm giá trong kỳ điều hành tới, đơn vị sẽ điều chỉnh giảm giá cước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất lo lắng trước tình trạng giá cả vật tư, nhiên, nguyên liệu là khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao sẽ gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong việc duy trì hoạt động, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thành Công (đơn vị quản lý hãng ta-xi Sông Nhuệ) Phạm Văn Anh cho biết, ngay khi giá xăng giảm về ngưỡng 22 nghìn đồng/lít, hãng đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước với mức giảm 1.500 đồng/km.

Cụ thể, giá cước giảm xuống còn 13.500 đồng/km đối với 20km đầu, từ km21 trở đi còn 11.000 đồng/km, đây là mức giảm sâu và trở về thời điểm giá cước trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Mặc dù đơn vị còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi tín hiệu thị trường chưa phục hồi, lượng khách đi xe giảm, hiện mới đạt khoảng 65-70% kế hoạch nhưng hãng quyết định giảm sâu, một mặt tránh thực hiện điều chỉnh tăng, giảm nhiều lần gây tốn kém các khoản chi phí đối với doanh nghiệp, mặt khác nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội ta-xi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết thêm, phần lớn các hãng ta-xi trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh giảm giá cước, trung bình còn 14.500 đồng/km. Cụ thể, giảm 500 đồng/km đối với 30km đầu, từ km31 trở đi giảm 1.000 đồng/km.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu, Hiệp hội sẽ tiếp tục họp thống nhất để điều chỉnh giảm giá cước nhằm mang đến sự công bằng cho khách hàng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Ông Hùng cũng khẳng định, giá cước vận tải ta-xi không thể điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày như giá xăng dầu, bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước không chỉ gây tốn kém các khoản chi phí vào khoảng 150 nghìn đồng/xe mà còn làm mất thời gian trong việc lên phương án điều chỉnh, gửi đề xuất đến các cơ quan quản lý, thông báo cho xe tập trung về bến bãi kiểm định đồng hồ, in, dán niêm yết giá mới,...

Liên quan việc các doanh nghiệp, hãng xe thông báo giảm giá cước sau nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, ngoài hai hãng xe chuyên chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng là Xe buýt Hải Phòng và Công ty TNHH Vận tải Đoàn Xuân thông báo điều chỉnh giảm giá cước hơn 10%, từ 135 nghìn đồng xuống còn 120 nghìn đồng/lượt/khách, đa số còn lại không điều chỉnh giá cước.

Nguyên nhân do lượng khách ít, nhu cầu đi lại không cao dẫn đến càng chạy càng lỗ. Mặc dù giá xăng dầu hiện tại đã giảm về ngưỡng 22 nghìn đồng/lít nhưng vẫn cao hơn mức giá xăng dầu thời điểm họ xây dựng giá cước. Vì vậy, khi lượng khách đông lên, lấy thu đủ chi, các nhà xe sẽ điều chỉnh giá cước xuống mức tương ứng.

Theo Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Trần Bảo Ngọc, giá xăng dầu hiện chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí các yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải. Giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ những quy định về kê khai giá, niêm yết giá và thu giá đúng niêm yết. Đối với những đơn vị chỉ có tăng mà không có giảm, không phù hợp với tình hình nhiên liệu xăng dầu giảm sẽ bị thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.