Giá cà-phê trong nước phục hồi nhẹ sau 7 ngày giảm liên tiếp

Sáng 11/10, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục nhẹ 100 đồng/kg, kết thúc chuỗi giảm sâu 7 ngày liên tiếp. Theo đó, cà-phê trong nước được thu mua quanh mức 63.300-63.900 đồng/kg. Hiện giá cà-phê nội địa vẫn thấp hơn gần 3.000 đồng/kg so cuối tháng 9.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cà-phê trong nước phục hồi nhẹ sau 7 ngày giảm liên tiếp

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (10/10) với diễn biến giá giằng co khi nhiều mặt hàng chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu. Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,36% xuống 2.210 điểm.

Như vậy, chỉ số này không thể duy trì đà tăng của 2 ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.400 tỷ đồng.

Giá cà-phê trong nước phục hồi nhẹ sau 7 ngày giảm liên tiếp ảnh 1

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/10, giá bông dẫn dắt đà suy yếu của nhóm nguyên liệu công nghiệp khi để mắt gần 2% giá trị so tham chiếu. MXV cho biết nhu cầu đối với bông Mỹ có nguy cơ ngày càng thu hẹp đã gây sức ép lên giá.

Theo giới quan sát, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến quốc gia tỷ dân tìm kiếm các nguồn cung bông thay thế từ Brazil và Australia. Đồng thời, đồng USD đang ở mức cao cũng khiến giá bông Mỹ còn đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí nắm giữ lớn cũng góp phần khiến nhu cầu về mặt hàng nắm ảm đạm.

Cùng với đó, giá dầu cọ quay trở lại xu hướng giảm trong phiên hôm qua với mức giảm 1,01%, sau khi Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) công bố báo cáo tháng này.

Theo đó, tồn kho dầu cọ cuối tháng 9 của Malaysia đạt 2,31 triệu tấn, tăng 9,6% so tháng trước. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất trong vòng 11 tháng của nước này, trong bối cảnh sản lượng tăng trong khi xuất khẩu giảm.

Cùng chung xu hướng, giá hai mặt hàng đường quay đầu suy yếu sau 4 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa giá đường 11 giảm 0,48% và giá đường trắng giảm 0,19% so tham chiếu. Sản lượng đường tăng mạnh tại Brazil xoa dịu lo lắng về nguồn cung thấp từ các quốc gia châu Á.

Cụ thể, Brazil đã sản xuất 3,36 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 9, vượt kỳ vọng mức 3,22 triệu tấn của thị trường và tăng gần gấp đôi số lượng được thấy vào thời điểm này một năm trước.

Giá cà-phê trong nước phục hồi nhẹ sau 7 ngày giảm liên tiếp ảnh 2

Ở chiều ngược lại, giá Arabica tăng gần 1% so tham chiếu sau khi đồng tiền nội địa của Brazil mạnh lên, làm hạn chế nhu cầu bán cà-phê của nông dân nước này.

Dù chỉ số Dollar Index chỉ mất 0,24% trong phiên hôm qua, nhưng việc đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên đã đẩy tỷ giá USD/Brazil Real giảm mạnh 1,63%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã thúc đẩy nông dân Brazil hạn chế hơn trong việc bán cà phê, do thu về ít nội tệ hơn.

Sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 6 tháng, giá Robusta hợp đồng tháng 1 năm 2024 đã khởi sắc trong phiên hôm qua với mức tăng nhẹ 0,09% so tham chiếu. Xuất khẩu cà-phê tháng 9 tiếp tục giảm tại Việt Nam khiến cho lo ngại về nguồn cung vừa dịu lại bùng lên.

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 50.967 tấn cà-phê (tương đương 849.450 bao loại 60kg) trong tháng 9, giảm mạnh 39,8 % so tháng 8 và 47,2 % so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế xuất khẩu cà-phê trong 9 tháng đầu năm nay ở mức 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022 và tổng giá trị xuất khẩu cao hơn 0,7% so cùng kỳ năm trước.

Cùng chung xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục nhẹ 100 đồng/kg, kết thúc chuỗi giảm sâu 7 ngày liên tiếp. Theo đó, cà-phê trong nước được thu mua quanh mức 63.300-63.900 đồng/kg. Tuy nhiên, so với cuối tháng 9, giá cà-phê nội địa hiện vẫn thấp hơn đến gần 3.000 đồng/kg.